Lào Cai - mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng và những nét văn hóa độc đáo của các lễ hội đầu Xuân hứa hẹn trở thành một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua.
Lào Cai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng homestay với 457 cơ sở homestay. Doanh thu từ du lịch cộng đồng đóng góp không nhỏ trong tổng doanh thu chung của du lịch toàn tỉnh. Những năm gần đây, du lịch trong dịp Tết là xu hướng được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, Lào Cai - mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng và những nét văn hóa độc đáo của các lễ hội đầu Xuân hứa hẹn trở thành một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Thời điểm này, các bản làng homestay tại địa phương đang chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ để đón khách du lịch đến với mùa lễ hội trong những ngày đầu Xuân năm mới.
* Trải nghiệm văn hóa độc đáo
Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, với vốn văn hóa giàu truyền thống, Lào Cai cũng là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách đến chiêm bái, tìm sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Huyện Bảo Yên với một số điểm tâm linh được nhiều người biết đến nhất trong hệ thống các đền, chùa ở Lào Cai như đền Bảo Hà, đền Phúc Khánh... là một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách đến chiêm bái dịp đầu Xuân. Vài năm trở lại đây, các homestay ở Bảo Yên trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong những chuyến du lịch tâm linh bởi những nét độc đáo riêng có.
Nếu như các homstay quế của xã Xuân Hòa thu hút du khách nước ngoài bởi vẻ đẹp mênh mông, bát ngát, hương thơm ngạt ngào của rừng quế thì homestay của xã Nghĩa Đô để lại ấn tượng về nguồn tài nguyên du lịch sinh thái và nhân văn phong phú và đa dạng từ kiến trúc nhà sàn mang đậm bản sắc văn hóa, các làng nghề thủ công truyền thống đặc sắc và những món ngon mê đắm lòng người.
Linh hồn của du lịch cộng đồng chính là nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Trong dịp Tết đến, Xuân về, du khách đến xã Nghĩa Đô sẽ được chứng kiến nhiều nét sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống rất hấp dẫn, xuất phát từ lao động, sản xuất, tín ngưỡng của dân tộc như: Lễ hội xuống đồng, các làn điệu dân ca dân vũ như hát cọi, hát then, hát lượn bên các nhạc cụ là đàn tính, sáo trúc, trống, kèn...
Homestay "Bà San" là nếp nhà sàn truyền thống nhỏ xinh nép mình bên đồi chè với tầm nhìn hướng ra ao cá rộng lớn. Từ cổng vào đến tường rào đều được thiết kế bằng các họa tiết đan lát dưới bàn tay tài hoa của chính chủ nhà. Gia đình anh Vũ Trung Kiên (Vĩnh Phúc) chọn nơi đây là điểm dừng chân trong chuyến du xuân đầu năm. Anh cho biết, đã được đến Nghĩa Đô từ giữa năm 2023, vì quá ấn tượng với nét văn hóa nơi đây nên anh chọn Bảo Yên, Nghĩa Đô để du lịch tâm linh và cùng gia đình đón năm mới.
Bà San, chủ homestay cho biết, khách nghỉ lại đây sẽ được tham gia trải nghiệm làm nghề thủ công đan lát từ các công đoạn nhuộm màu cho nan bằng các màu tự nhiên từ cây cối quanh vườn đến các phương thức đan để làm nên thành phẩm túi xách, giỏ xách, khay, đĩa... Khách cũng được thưởng thức các hương vị độc đáo trong ẩm thực của đồng bào Tày như: cá gói lá dong vùi tro bếp, nhộng cọ lam, thịt vịt bầu lam ống nứa, nộm rau rừng, ếch núi nướng, canh thịt gà nấu kiệu…
* Đón khách xuyên Tết
Sa Pa mùa xuân với muôn hoa khoe sắc, với không khí trong lành mát mẻ, là điểm đến thích hợp cho những chuyến đi nghỉ ngơi và thư giãn ngắn ngày. Đây là Tết thứ 2 gia đình chị Phạm Minh Anh (Cần Thơ) lựa chọn du xuân ở các bản làng Sa Pa trong dịp Tết. "Gia đình sẽ nhận phòng vào mùng 2 Tết. Chúng tôi muốn các thành viên được trải nghiệm một mùa Xuân Tây Bắc với những thước hình thiên nhiên đẹp cùng nếp sống mộc mạc, đơn sơ của đồng bào địa phương".
Để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của du khách, khoảng thời gian gần Tết, các cơ sở kinh doanh homestay ở Tả Van lại sẵn sàng nhận khách đặt dịch vụ và chuẩn bị các công việc chu tất để đón khách ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới. Bà Vàng Thị Nguyên, chủ homestay "Lúa" - nơi gia đình chị Phạm Minh Anh đặt phòng chia sẻ: “Mình làm kinh doanh cả năm nhưng với những khách đến trong dịp Tết Nguyên đán thì càng phải chuẩn bị chu toàn mọi mặt. Biết được khách ở tỉnh nào, khu vực nào thì chuẩn bị phù hợp theo nhu cầu để mọi người được thoải mái và tự nhiên hơn. Bởi theo phong tục của người Tây Bắc thì khách đến từ ngày đầu năm luôn là những điều may mắn với gia chủ. Vì thế họ đến với mình thì mình càng phải trân trọng, đáp ứng tốt nhất các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí cho họ".
Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất để phục vụ đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ cho du khách, bà Nguyên còn cùng dân làng chuẩn bị tổ chức các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, các trò chơi dân gian, lễ hội xuống đồng của đồng bào dân tộc Giáy ở địa phương cùng các tiết mục văn hóa văn nghệ của người Mông trong những ngày Tết. Do vậy, khi du khách đến với bản làng Tả Van sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống của cư dân bản địa vốn rất độc đáo và mang đậm những sắc thái văn hóa tộc người Tây Bắc.
Mùa Xuân là mùa đẹp nhất của Bắc Hà bởi mỗi dịp Xuân về mùa hoa mận ở đây nở trắng núi rừng khiến ai đến cũng mê mẩn. Cách thị trấn Bắc Hà khoảng 1km, xã Tà Chải là điểm đến đầy hấp dẫn bởi xung quanh các thôn, bản ở đây như một bức tranh sơn dầu lớn được tạo nên bởi màu xanh của nương lúa, ngô và núi rừng cùng nhiều ngôi nhà sàn gỗ vẫn giữ vẻ nguyên sơ phủ màu thời gian. Tà Chải có 18 cơ sở lưu trú, riêng thôn Na Lo có tới 11 cơ sở homestay. Người Tày ở thôn chiếm 90%, bà con cơ bản giữ được nét văn hóa truyền thống như di sản văn hóa phi vật thể múa Xòe, các món ẩm thực như: cốm, khẩu rang và nhiều món truyền thống khác.
Homestay "La Beauté", thôn Na Lo của chị Cao Hương là dãy nhà sàn truyền thống có view nhìn ra ruộng lúa rộng thênh thang thường đón khá nhiều khách nước ngoài trong dịp Tết. Du khách đến homestay không chỉ được khám phá nét văn hóa đặc sắc mà còn được thưởng thức nhiều món ăn do chính người dân bản địa làm ra. Những món ăn là sản vật của núi rừng bằng nguyên liệu tự trồng trọt, chăn nuôi như xôi nếp nương, gà bản, măng đắng, rượu ngô Bản Phố...
Năm nay, homestay "La Beauté" mở cửa đón khách xuyên Tết theo hình thức cho các khách quen mượn cơ sở vật chất, tự phục vụ và trả tiền tùy tâm coi như lì xì mừng năm mới cho gia chủ. Việc để khách tự phục vụ theo ý thích với cơ sở vật chất và nguồn thức phẩm sẵn có sẽ khiến khách có cảm giảm tự do, thoải mái như ở nhà. Chị Hương cho biết, khách thường liên hệ đặt chỗ với từ trước Tết Nguyên đán nên ngay từ trong năm, chị đã phải chuẩn bị cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm để đón khách. "Bởi khách sẽ đến từ ngày mùng 1 hoặc mùng 2 Tết, nên mình không chuẩn bị trước thì sẽ không kịp. Ngày đầu năm mới, ai cũng mong mọi việc đều được hanh thông cho cả chủ lẫn khách”, chị Hương chia sẻ.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Văn Thắng cho biết, sức hút của du lịch cộng đồng Lào Cai xuất phát từ việc người dân địa phương biết tận dụng các thế mạnh của mình và vùng đất mình sinh sống tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có nhằm "biến di sản thành tài sản". Đến với vùng Tây Bắc dịp Tết đến, Xuân về, du khách hãy dừng chân tại một bản làng của Lào Cai để tận hưởng thiên nhiên và trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo này./.
- Từ khóa:
- Lào Cai
- du lịch
- văn hóa địa phương
- Tết