Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 không còn người tử vong vì bệnh dại.
Tính đến trung tuần tháng 3/2024, tỉnh Lào Cai có 376 người bị động vật cắn, cào phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Trước nguy cơ tái phát dịch bệnh luôn thường trực cùng diễn biến số người tử vong do bệnh dại và số người phải điều trị dự phòng bệnh dại trên cả nước gia tăng, các ngành chức năng, chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi trong tỉnh đang tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh dại.
* Khắc phục tình trạng thả rông vật nuôi
Thời điểm trước năm 2019, Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai luôn phải tiếp nhận bệnh nhân nghi dại và mắc dại sau khi bị súc vật cào - cắn, thậm chí có những ca tử vong rất thương tâm do đa số người dân chưa nhận thức đầy đủ về loại dịch bệnh này. Do đó, thời gian qua, công tác tư vấn và truyền thông tại địa bàn luôn được đặt lên hàng đầu. Hiện huyện vùng cao Si Ma Cai có tổng đàn chó hơn 4.000 con. Các hộ gia đình sinh sống phân tán, thường nuôi thả tự do điều này khiến việc quản lý đàn chó, mèo cũng như tiêm vaccine cho động vật gặp nhiều khó khăn.
Theo Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Si Ma Cai Nguyễn Trọng Khánh cho biết: Công tác phòng, chống bệnh dại tại địa phương gặp nhiều khó khăn do số lượng lớn vật nuôi thả rông. Khắc phục tình trạng trên, huyện tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo các địa phương thống kê số lượng vật nuôi trong diện phải tiêm; thành lập tổ lưu động, tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh dại tại các chợ phiên trên địa bàn...
Bên cạnh việc triển khai truyền thông sâu rộng về phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung, Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai tiến hành ưu tiên tư vấn, truyền thông đến từng gia đình về bệnh dại. Trong 5 năm qua, đơn vị đã thực hiện truyền thông trực tiếp trung bình mỗi năm 3.551 lần với trên 92% số hộ được nghe và hiểu biết về bệnh. Bên cạnh đó, các đợt truyền thông qua hệ thống loa của các thôn bản và những buổi chợ phiên đã góp phần giúp người dân có thêm kiến thức, hiểu biết về cách phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này. Từ đó, số ca bị súc vật cào, cắn giảm đi rõ rệt. Nếu năm 2019 có 295 ca đến khám và tiêm phòng vaccine dại thì đến năm 2023 chỉ còn 98 ca. Trong những tháng đầu năm 2024, số ca sử dụng vaccine và được tư vấn phòng bệnh dại đã giảm hẳn so với các quý cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Trung tâm luôn đảm bảo nguồn vaccine, hỗ trợ cho người nghèo và nguồn sử dụng tiêm cho đối tượng khác với mục tiêu đảm bảo 100% số người bị phơi nhiễm với bệnh dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm; đồng thời tăng cường phối hợp truyền thông và tư vấn kiến thức cho nhân dân để duy trì hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.
Không chỉ ở các địa bàn vùng cao, trước nguy cơ bệnh dại gia tăng, thành phố Lào Cai đang tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người. Trạm Thú y thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết về mức độ nguy hiểm của bệnh dại; các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh; biện pháp phòng, chống bệnh dại và các quy định của pháp luật có liên quan.
Gia đình bà Liềng Thị Mai (thôn Luổng Láo, xã Cốc San, thành phố Lào Cai) nuôi 5 con chó. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, gia đình bà luôn có ý thức tiêm phòng định kỳ để phòng, chống dịch bệnh cho chó và rọ mõm mỗi khi có việc cần đưa chúng ra ngoài. Bà Mai cho biết, việc tiêm phòng dại được gia đình đặc biệt lưu ý để bảo vệ con cháu, người nhà và người ngoài.
Bên cạnh việc thực hiện tuyên truyền ở cơ sở, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo. Theo kế hoạch, ngoài 2 đợt chính, từ ngày 1/3 đến 30/4/2024 và từ ngày 30/8 đến 20/10/2024, việc tiêm vaccine phòng dại sẽ duy trì các tháng trong năm. Tại các huyện, ngay từ đầu tháng 3/2024, các trạm thú y và đội ngũ thú y viên cơ sở đã đến từng gia đình và các phiên chợ vùng cao - nơi người dân thường bày bán chó, mèo để triển khai tiêm phòng dại cho vật nuôi.
* Giải pháp giảm số người phơi nhiễm với bệnh dại
Năm 2023, Lào Cai phát hiện 15 con chó mắc bệnh dại; có hơn 1.900 người bị chó, mèo nghi dại cắn phải tiêm vaccine và truyền huyết thanh kháng dại, trong đó có 1 trường hợp tử vong do không tiêm vaccine phòng bệnh. Các cơ quan chức năng của Lào Cai nhận định trong thời gian tới nguy cơ dịch bệnh dại phát sinh là rất cao.
Nguyên nhân là virus dại còn lưu hành trên động vật; công tác quản lý đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn còn hạn chế (chưa thống kê được chính xác số lượng đàn chó, mèo; chó thả rông còn phổ biến). Tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó năm 2023 của Lào Cai chỉ đạt trên 70% tổng đàn và không đồng đều giữa các vùng. Nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, đặc biệt trong việc quản lý đàn chó nuôi và tiêm phòng vaccine dại cho chó theo quy định.
Nhằm kiểm soát, phòng ngừa bệnh dại trên người, giảm số người phơi nhiễm với bệnh dại, phấn đấu đến năm 2030 không còn người tử vong vì bệnh dại, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân và cộng đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật ngay từ đầu năm 2024. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là việc để xảy ra trường hợp người tử vong do bệnh dại.
Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư về bệnh dại, tác hại và sự nguy hiểm của bệnh; hiệu quả của việc tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo, để người dân nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện phòng, chống.
Các địa phương rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn chó nuôi; đảm bảo mỗi con chó, mèo được tiêm 1 lần/năm và yêu cầu tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại tại các khu vực vùng cao đạt trên 70%, khu vực vùng thấp đạt trên 85% tổng đàn. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình nhằm phát hiện sớm bệnh dại trên đàn chó, mèo; xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh trên địa bàn theo quy định.
Đặc biệt, các chủ vật nuôi phải nuôi cam kết không thả rông chó, đeo rọ mõm cho chó khi đưa ra nơi công cộng, có dây xích và có người dắt, nhất là khu vực thành thị, nơi tập trung đông dân cư. Các địa phương thành lập tổ, đội bắt giữ, xử lý chó thả rông, chó không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại và xử phạt hành chính đối với chủ nuôi chó không chấp hành việc tiêm phòng vaccine dại, nuôi chó thả rông,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu ngành Y tế chủ động cung cấp đủ vaccine, kháng huyết thanh điều trị cho người phơi nhiễm với bệnh dại; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng kỹ thuật y tế chưa được công nhận, lưu hành (bài thuốc đông y, thuốc cổ truyền, thuốc gia truyền) để khám và điều trị cho người mắc bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn; cung cấp địa chỉ các điểm tiêm phòng vaccine dại cho người dân./.
- Từ khóa:
- Lào Cai
- phòng ngừa bệnh dại
- trên người