Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ lây lan trong cộng đồng cao. Do đó việc phòng, chống lao dựa vào cộng đồng được xem là yếu tố bền vững để Việt Nam thanh toán bệnh vào năm 2035.
TTXVN - Bác sỹ Chuyên khoa II Lê Văn Bảy, Giám đốc Bệnh viện Phổi Long An thông tin: Năm 2023, Long An phát hiện và điều trị cho gần 2.300 bệnh nhân mắc lao các thể trên tổng dân số. Tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao đạt dưới 131/100.000 dân (toàn quốc là 176/100.000 dân). Địa phương đã điều trị thành công 77,9% bệnh nhân lao kháng thuốc. Tỷ lệ điều trị thành công lao các thể đạt 92,5%.
Tuy nhiên, hoạt động phòng, chống lao tại Long An còn một số khó khăn, tồn tại. Kinh phí để triển khai các hoạt động truyền thông, giám sát, sàng lọc… để phát hiện chủ động, quản lý bệnh lao và lao đa kháng thuốc chưa đảm bảo. Cán bộ chống lao tuyến huyện, xã đa số thường xuyên thay đổi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất hoạt động của chương trình. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ chưa đủ sức thu hút với cán bộ làm công tác chống lao tại các tuyến.
Bác sỹ Lê Văn Bảy cho biết, năm 2024, Chương trình chống lao tại Long An đặt mục tiêu: Tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức 80% và bệnh nhân lao mới và tái phát ở mức 92%. Tỷ lệ bệnh nhân không theo dõi được đặt dưới 2,5%.
Để tiến tới loại trừ bệnh lao vào năm 2035, Long An đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào phát hiện bệnh nhân lao trong cộng đồng. Địa phương đẩy mạnh việc phát hiện chủ động tại cộng đồng và phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, đặc biệt tập trung vào các nhóm nguy cơ cao (người sống cùng với người mắc bệnh lao, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao, bị các bệnh mãn tính, mắc bệnh đường hô hấp, HIV, điều trị corticoid kéo dài)...
Cùng với đó, xe X-quang di động kỹ thuật số sẽ được sử dụng để phát hiện bệnh nhân lao. Các hệ thống ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để nâng cao chất lượng chẩn đoán và tránh bỏ sót bệnh nhân sẽ được mở rộng. Việc sàng lọc tầm soát bệnh lao chủ động tại cộng đồng sẽ được thực hiện theo Chiến lược 2X - sử dụng đồng thời 2 kỹ thuật chụp X-quang lồng ngực và xét nghiệm Gene Xpert trong sàng lọc phát hiện ca bệnh lao giúp đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động.
Các buổi khám tại cộng đồng sẽ bao gồm: Khám sàng lọc, phỏng vấn, thu thập thông tin các triệu chứng nghi lao; chụp phim X-quang kỹ thuật số và tiến hành lấy mẫu đờm xét nghiệm Gene Xpert cho tất cả các đối tượng có tổn thương nghi lao trên phim X-quang. Dựa vào kết quả các xét nghiệm, bác sỹ sẽ chẩn đoán và đưa các trường hợp mắc lao phổi vào quản lý và điều trị.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Long An Lê Văn Bảy cũng cho biết, địa phương chú trọng đảm bảo hiệu quả các hoạt động chẩn đoán lao trong nhóm trẻ em. Số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tỉnh tăng cường áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán cập nhật; cam kết chặt chẽ với các bệnh viện nhi khoa để chẩn đoán lao trẻ em; tiếp tục kiện toàn thanh toán thuốc lao và các dịch vụ khám chữa bệnh lao từ nguồn Bảo hiểm y tế.
Hiện Long An đã có kế hoạch xây dựng Bệnh viện Phổi với quy mô 200 giường, khởi công trong năm 2024, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Đây là điều kiện để việc điều trị bệnh nhân lao nội trú được tốt hơn, giúp nhiều người khỏi bệnh và hạn chế tình trạng lao kháng thuốc./.