Sức khỏe

Ngày thế giới phòng, chống lao 24/3: Bảo đảm nhân lực, tài chính cho công tác phòng, chống lao

Bắc Giang

Tại Bắc Giang, năm 2022, tỷ lệ mắc lao là 90/100.000 dân, ở mức trung bình so với toàn quốc.

Các đại biểu ký tên hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống lao.
Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

TTXVN - Tích cực sàng lọc phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng; nâng cao năng lực thu dung, quản lý, điều trị bệnh nhân lao… là những giải pháp tỉnh Bắc Giang đang triển khai nhằm góp phần quan trọng thực hiện chiến lược phòng, chống bệnh lao đến năm 2025 và tiến tới thanh toán cơ bản, chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2023, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm vào năm 2022, chỉ sau COVID-19. Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Tại Bắc Giang, năm 2022, tỷ lệ mắc lao là 90/100.000 dân, ở mức trung bình so với toàn quốc. Địa phương đã thu nhận điều trị 1.675 bệnh nhân lao các thể, 30 bệnh nhân lao kháng thuốc. Năm 2023, tỷ lệ mắc lao là 89/100.000 dân; thu nhận và điều trị 1.679 bệnh nhân lao các thể, 27 bệnh nhân lao kháng thuốc.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Bắc Giang Nguyễn Ngọc Thanh, Chương trình phòng, chống lao của tỉnh Bắc Giang thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ mắc lao giảm dần. Tỷ lệ điều trị thành công lao các thể đạt 98%.

Đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống lao là do thời gian qua Bắc Giang luôn có sự ủng hộ tích cực của Chương trình Chống lao quốc gia và sự quan tâm của các ban, ngành, địa phương. Chương trình Chống lao tỉnh đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với các tuyến từ huyện đến xã, phường, thị trấn. Mạng lưới chống lao được ổn định và tiếp tục được củng cố theo hướng phù hợp với mỗi cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 12 đơn vị thực hiện Chương trình phòng, chống lao gồm: Bệnh viện Phổi tỉnh, 10 tổ chống lao tuyến huyện, thành phố với 209 xã, phường, thị trấn và một tổ chống lao tại Trại giam Ngọc Lý. Như vậy, 100% số huyện, thành phố tại Bắc Giang đã được triển khai Chương trình chống lao quốc gia.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, thời gian qua, cùng với việc điều trị, tuyên truyền phòng bệnh, Bệnh viện Phổi Bắc Giang phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện chiến dịch phát hiện chủ động bệnh lao trong cộng đồng. Trong đó, bệnh viện đã tập trung vào phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc bệnh nhân lao và nhóm nguy cơ cao như người già, bệnh nhân phổi mạn tính, HIV, người nghèo, người hút thuốc lá, người sống trong trung tâm bảo trợ. Việc khám chủ động được thực hiện nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc, tránh lây lan ra cộng đồng. Những trường hợp nghi mắc sẽ được sàng lọc chụp phổi xem có tổn thương hay không. Với trường hợp tổn thương phổi, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm khác. Năm 2023, các cơ sở y tế đã tiến hành phát hiện chủ động chụp X-quang cho gần 40.000 người, qua đó phát hiện hơn 550 trường hợp mắc lao.

Tuy nhiên, chiến dịch phát hiện lao chủ động tại một số huyện vẫn còn những tồn tại như: Công tác khám sàng lọc chưa tỉ mỉ, ghi chưa đầy đủ thông tin dẫn đến kết quả không cao; Số bệnh nhân duyệt điều trị có bằng chứng vi khuẩn học tỷ lệ còn thấp; Tỷ lệ tự phát hiện người bệnh lao tại các tổ chống lao huyện, thành phố chưa cao.

Ngoài ra, vẫn còn tồn tại việc người dân ngại, giấu bệnh, chưa hiểu nhiều về bệnh lao nên mặc cảm và sợ hãi. Bệnh nhân lao phải điều trị trong thời gian dài, bị tác dụng phụ của thuốc. Điều này gây khó khăn cho các y bác sỹ trong việc tư vấn bệnh nhân tuân thủ điều trị, tránh bỏ thuốc.

Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2035 giảm số người mắc bệnh lao các thể trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân; giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lao còn dưới 1/100.000 người dân; giảm số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc còn dưới 1,5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

Để đạt mục tiêu, Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng dân cư. Các cơ sở y tế tăng cường phát hiện chủ động, triển khai đổi mới công nghệ, chiến lược 2X (X-quang và X-pert) để sàng lọc và phát hiện bệnh lao cho tất cả những người nghi lao, tầm soát phát hiện người bệnh mắc lao kháng thuốc. Đồng thời, các cơ sở cập nhật và ứng dụng thuốc mới, phác đồ mới trong điều trị lao nhằm cải thiện tối ưu hiệu quả điều trị cho người bệnh; tầm soát phát hiện các đối tượng nghi mắc lao tiềm ẩn, phát hiện bệnh nhân mắc lao tiềm ẩn, điều trị và quản lý điều trị lao tiềm ẩn.

Bắc Giang sẽ tăng cường đổi mới tiếp cận như phối hợp y tế công - tư, ưu tiên tiếp cận khám lao bằng bảo hiểm y tế. Cùng với đó, tỉnh bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính cho công tác phòng, chống lao./.

Đồng Thúy

Tin liên quan

Xem thêm