Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An, các bệnh viện tuyến huyện đông dân có nhu cầu chạy thận nhân tạo rất cao, tuy nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu bệnh nhân.
TTXVN - Thời gian qua, hầu hết các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh Long An thiếu máy chạy thận trầm trọng khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị. Theo thống kê, máy chạy thận nhân tạo hiện chỉ đảm bảo cho hơn 400 bệnh nhân. Trong khi đó, khoảng hơn 320 bệnh nhân phải đến các bệnh viện ngoài tỉnh. Điều này dẫn đến mất nhiều thời gian, chi phí đi lại và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Đa khoa Long An, hiện có hàng chục bệnh nhân đang chạy thận phải đăng ký theo lịch để được điều trị. Hầu hết, bệnh nhân đang chạy thận tại đây có thời gian điều trị từ 1 năm trở lên. Theo các bác sĩ chuyên khoa, khi bị thận giai đoạn cuối, bệnh nhân phải đến bệnh viện một tuần 3 lần. Mỗi lần như thế, họ phải chạy thận 4 tiếng đồng hồ. Đây là những bệnh nhân tương đối nặng, bản thân khi đến bệnh viện phải có người thân đi theo nên gặp rất nhiều khó khăn.
Là bệnh nhân được chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tài (77 tuổi), ngụ phường 2, thành phố Tân An, cho biết, ông vào điều trị khoảng 1,5 năm và được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc nên rất an tâm. Tuy nhiên, ông Tài thấy một số bệnh nhân chạy thận như mình không được điều trị tại đây do thiếu máy. Vì vậy, ông mong muốn Bệnh viện Đa khoa Long An trang bị thêm máy để bệnh nhân chạy thận được thuận lợi hơn.
Bệnh nhân Võ Hoàng Anh (37 tuổi), ngụ thị trấn Tân Trụ (Long An) cho hay, anh vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị được hơn 1 năm. Qua thời gian chạy thận tại đây, anh cảm thấy mủi lòng khi có nhiều bệnh không được chạy thận nơi đây. Anh Hoàng Anh rất mong muốn Bệnh viện có thêm nhiều máy hỗ trợ cho bệnh nhân để đỡ tốn kém chi phí, đi đến các tỉnh khác điều trị.
Không may mắn như các bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An, bệnh nhân Nguyễn Văn Quan (83 tuổi), ngụ xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh (Long An) phải đến nhà người con tại phường 4, thành phố Tân An để mỗi tuần 3 ngày, đến Bệnh Viện Quân y K120 (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), chạy thận. Ông Quan cho biết, trước đó ông đến đăng ký chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng do thiếu máy nên Bệnh viện giới thiệu, chuyển đến Bệnh viện Quân Y K20 - cách thành phố Tân An khoảng 30km. Cứ khoảng 4 giờ vào các ngày thứ 3,5 và 7, ông thuê xe ôm và cùng con gái đến Bệnh viện. Mãi đến 11 - 12 giờ trưa, ông chạy thận xong mới về đến nhà. “Tôi tuổi cao, sức yếu nên rất mong chính quyền và Bệnh viện quan tâm đầu tư thêm máy chạy thận để tôi được về điều trị gần nhà, vừa không phải mất sức khỏe, vừa đỡ chi phí và thời gian hơn”, ông Quan đề xuất qua từng hơi thở gấp của mình.
Bác sĩ Ngô Hiền Sĩ, Trưởng khoa Nội-Phổi-Thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An, cho biết: Ngoài bệnh nhân đang chạy thận, tại đây có hơn 130 bệnh nhân đăng ký chạy thận nhưng không có máy. Bệnh viện phải chuyển những bệnh nhân này đến những bệnh viện khác ngoài tỉnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang. Bệnh viện hiện có 43 máy chạy thận, trong đó 22 máy hoạt động bình thường (phục vụ cho 150 bệnh nhân), 10 máy hư thường xuyên, 11 máy hỏng hẳn. Gần đây, được thông tin UBND tỉnh có chủ trương trang bị máy cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện khác, đây là niềm vui mừng của tập thể y, bác sĩ đơn vị lọc thận, cũng như của các bệnh nhân chạy thận.
Theo ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An, máy chạy thận nhân tạo tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay rất thiếu. Chỉ khoảng 150 máy vận hành liên tục 3 ca trong vòng 24 giờ và đảm bảo được nhu cầu cho 415 bệnh nhân. Trong khi đó, còn khoảng 320 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo ngoài tỉnh. Đây là sự trăn trở của lãnh đạo tỉnh Long An, đồng thời cũng là của ngành Y tế. Hiện nay, các bệnh viện tuyến huyện đông dân có nhu cầu chạy thận nhân tạo rất cao như Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức và Đức Hòa. Tuy nhiên, máy chạy thận thông thể đáp ứng đủ nhu cầu bệnh nhân.
Trước thực trạng thiếu máy phục vụ người bệnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt cho ngành Y tế khảo sát và thống kê, đảm bảo triển khai các máy ở các cơ sở đang có bệnh nhân chạy thận nhân tạo; đồng thời, triển khai mới ở một số cơ sở y tế, đảm bảo đến cuối năm 2024, số bệnh nhân chạy thận nhân tạo được giải quyết trong toàn tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2025, tỉnh có số bệnh nhân tăng 250 trường hợp, các bệnh viện cũng phải đảm bảo được số máy chạy thận nhân tạo cho người bệnh tại tỉnh, không phải đi chạy thận ngoài tỉnh gây tốn kém, mất sức khỏe và thời gian. Theo đó, tỉnh Long An sẽ trang bị, mua sắm thêm 160 máy, trong đó 100 máy năm 2024 và 60 máy trong năm 2025.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Phúc, hiện tỉnh đã tập trung nguồn ngân sách đảm bảo cho việc mua sắm máy phục vụ người bệnh có nhu cầu chạy thận nhân tạo. Đối với công tác đào tạo, ngành Y tế tập trung lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn gửi đi đào tạo ở tuyến trên nhằm đảm bảo theo đúng quy định, chứng chỉ đào tạo về chuyên môn chạy thận nhân tạo từ bác sĩ đến ê kíp điều dưỡng để điều khiển, vận hành máy phục vụ cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Với sự chỉ đạo quyết liệt trong mua sắm máy của lãnh đạo UBND tỉnh và ngành Y tế Long An, hy vọng việc chạy thận thời gian tới sẽ không còn là nỗi lo canh cánh khi phải mất nhiều khoản chí phí của mỗi bệnh nhân tại địa phương./.
- Từ khóa:
- Long An
- thiếu máy chạy thận
- y tế
- sức khỏe