Sức khỏe

Vụ thai nhi tử vong trong bụng mẹ: Kỷ luật bác sĩ, tạm dừng công tác chuyên môn 2 nữ hộ sinh

Gia Lai

Trên cơ sở đánh giá quy trình tiếp nhận, chăm sóc và điều trị bệnh nhân, Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa đã thống nhất kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan trường hợp thai nhi tử vong trong bụng mẹ.

Trung tâm y tế Ayun Pa, nơi xảy ra vụ việc thai nhi tử vong trong bụng mẹ. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Ngày 15/3, Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về trường hợp thai nhi tử vong tại Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa và kết quả xử lý kỷ luật các nhân, tập thể liên quan vụ việc. Trên cơ sở đánh giá quy trình tiếp nhận, chăm sóc và điều trị bệnh nhân, Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa đã thống nhất kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan trường hợp thai nhi tử vong trong bụng mẹ.

Theo đó, Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa đánh giá công tác tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc thai phụ nhập viện chưa sâu sát, chưa chu đáo. Công tác điều trị chậm, xử lý tình huống chưa hợp lý với diễn biến xảy ra đột xuất; dẫn đến thai nhi tử vong được xác định do suy thai cấp trong quá trình chuyển dạ.

Do đó, Hội đồng Thi đua, khen thưởng, kỷ luật của Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa đã tiến hành họp, thống nhất kỷ luật cảnh cáo và tạm dừng công tác chuyên môn, chuyển sang vị trí làm việc tiếp nhận người bệnh trong thời gian 3 tháng đối với bà Bùi Thị Diệu Huyền và bà Hồ Huỳnh Ái Phương (là 2 nữ hộ sinh thực hiện công tác tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân trong kíp trực rạng sáng 7/3); kỷ luật khiển trách bà Nay Thị Lâm (là bác sĩ thực hiện công tác điều người bệnh trong kíp trực rạng sáng 7/3) do thực hiện công tác điều trị chưa kịp thời. Đồng thời, kiểm điểm Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản với mức kỷ luật khiển trách do không thông báo sự cố y khoa nghiêm trọng kịp thời, công tác quản lý khoa không tốt.

Liên quan đến việc này, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa tổ chức động viên, an ủi, chia buồn gia đình sản phụ; tiếp tục chăm sóc, điều trị cho sản phụ trong thời gian hậu phẫu theo quy định; tiếp tục triển khai tổ chức học tập các quy định, quy trình, quy chế chuyên môn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế của đơn vị; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các quy định về quy chế bệnh viện.

Trước đó, thai phụ N.H. (sinh năm 1996, trú xã Chư Mố, huyện Ia Pa, Gia Lai) được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa lúc 0h ngày 7/3, được chẩn đoán thai lần hai, khoảng 37 tuần 4 ngày; tử cung chưa mở, có vết mổ cũ.

Sau đó, do chị H. đau bụng dữ dội, có khả năng chuyển dạ sinh con, người nhà sản phụ yêu cầu mổ lấy em bé ra nhưng kíp trực không thực hiện. Tại đây, các y bác sĩ cho biết thai nhi vẫn bình thường nên yêu cầu theo dõi thêm. Sau đó, kíp trực đã hướng dẫn sản phụ về nằm tại giường nghỉ ngơi và theo dõi.

Đến 5 giờ 30 ngày 7/3, sản phụ đau bụng, có dấu hiệu lả đi, kíp trực mời sản phụ vào khám thấy tim thai dao động 90-100 lần/phút, báo cáo bác sĩ trực về tình trạng của sản phụ. Qua khám, chẩn đoán chưa chuyển dạ, ngôi ngược, suy thai cấp và được chỉ định điều trị mổ cấp cứu lấy thai. Sau mổ, bé gái toàn thân tím tái, chỉ số Apgar 0 điểm, cân nặng 2.400 gam, lòng tử cung sản phụ không có nước ối. Ngay lập tức, kíp trực hồi sức cấp cứu tích cực cho trẻ trong vòng 30 phút không có kết quả, trẻ tử vong. Do đó, gia đình sản phụ cho rằng, việc thai nhi tử vong là do sự tắc trách của các y, bác sĩ./.


Hồng Điệp

Xem thêm