Đề án “Phát triển Công nghiệp dược Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một trong những chương trình hành động có tính chiến lược để đáp ứng yêu cầu hội nhập về phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật.
TTXVN - Mới đây, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển Công nghiệp dược Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là bước khởi động quan trọng để Thành phố sớm hình thành khu công nghiệp y - dược tập trung đầu tiên của cả nước.
Theo Đề án, từ nay đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ định hướng xây dựng khu công nghiệp dược bằng việc xây dựng, ban hành, cơ chế chính sách về quỹ đất, thuế, nguồn tài chính cũng như kêu gọi đầu tư; xác định các loại hình sản phẩm bao gồm dược phẩm công nghệ cao và trang thiết bị y tế, qua đó đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm được sản xuất trong khu công nghệ cao. Từ năm 2025 - 2030, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp dược với quy mô khoảng 300 ha, từng bước đưa vào hoạt động thực tế. Từ năm 2030 - 2045 sẽ đưa khu công nghiệp dược hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo tính kết nối - liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghệ.
Đây được xem là chủ trương mang tính đột phá của Thành phố trong giai đoạn từ nay đến năm 2045. Khu công nghiệp chuyên ngành y - dược sẽ có các chức năng chính là trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về lĩnh vực y dược và nơi tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuyên ngành y - dược, sản phẩm phụ trợ thuộc phân khúc kỹ thuật cao. Đây còn là trung tâm giao dịch về các sản phẩm chuyên ngành y - dược và sản phẩm phụ trợ.
Đề án “Phát triển Công nghiệp dược Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một trong những chương trình hành động có tính chiến lược để đáp ứng yêu cầu hội nhập về phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật; đồng thời thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về nâng cao sức khỏe nhân dân, tăng cường quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực Y - Dược trên địa bàn Thành phố. Đề án sẽ chú trọng chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và thiết bị y tế, đặc biệt ưu tiên sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật cao, sản xuất vaccine, sinh phẩm, các thuốc mới, thuốc phát minh để đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh trong nước, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu với lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá.
Thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn có 31 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế Thế giới), chủ yếu là sản xuất thuốc theo công thức hết thời hạn bảo hộ bản quyền cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Thành phố có điều kiện thuận lợi, là nơi tập trung các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực dược hàng đầu, có các khu công nghệ cao, nhà máy lớn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ tại Thành phố cũng khá dồi dào, đặc biệt thuốc chuyên khoa đặc trị khi có 133 bệnh viện, 1.202 doanh nghiệp buôn bán và 6.529 nhà thuốc./.
- Từ khóa:
- Thành phố Hồ Chí Minh
- y tế
- công nghiệp