Văn hóa

Lễ hội Then Kin Pang mang đậm bản sắc của dân tộc Thái

Lai Châu

Lễ hội “Then Kin Pang” là nét văn hóa đặc sắc, hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của dân tộc Thái khu vực Mường So, Khổng Lào ở huyện Phong Thổ. Lễ hội được tổ chức gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội.

Diễn xướng điệu múa Then trong lễ hội Then Kin Pang
Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

TTXVN - Năm nay, đông đảo người dân và du khách có mặt tại xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trong hai ngày 17 và 18/4 để hòa mình vào Lễ hội Then Kin Pang năm 2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn đặc trưng của đồng bào Thái trắng tại đây.

Huyện Phong Thổ có 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái có tỷ lệ dân số đứng thứ 3 của huyện với hơn 17%. Người Thái có kho tàng văn hóa, văn nghệ vô cùng phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Lễ hội “Then Kin Pang” là nét văn hóa đặc sắc, hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của dân tộc Thái khu vực Mường So, Khổng Lào ở huyện Phong Thổ.

Lễ hội được tổ chức gồm 2 phần: Phần lễ với các nghi thức cúng, dâng hương, thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, các vị thần linh. Từ đó bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, mong muốn bản làng no ấm, khỏe mạnh, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ.

Thi đan chài bắt cá
Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Phần hội diễn ra với các hoạt động phong phú, đa dạng, tái hiện lại những nét sinh hoạt văn hóa thường ngày của người Thái như: Đơm cúc áo cóm, đan chài bắt cá, chế tác đàn tính trong phần thi khéo tay hay nghề; múa trống chiêng truyền thống và các trò chơi dân gian. Lễ hội cũng tái hiện nghi thức gội đầu “Áp hô Pang”; tái hiện các hoạt động sông nước; thi không gian văn hóa dân tộc Thái; thi ẩm thực….

Đặc biệt, 2 nội dung của lễ hội luôn được người dân và du khách đón chờ, phấn khích tham gia là tái hiện “Tục gội đầu của người Thái” và “Té nước cầu may” của các chàng trai, cô gái Thái bên dòng suối Nậm Lụm.

Du khách Nguyễn Uyên Hương đến từ Hà Nội chia sẻ: "Đây là lần đầu đến với Phong Thổ, tôi thấy các bạn nữ dân tộc Thái rất xinh đẹp trong trang phục truyền thống tám suối rất độc đáo và thú vị. Nhiều nét văn hóa cổ của họ vẫn được lưu giữ. Mình mở mang thêm kiến thức và trải nghiệm".

Phát biểu tại lễ hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Mai Thị Hồng Sim nhấn mạnh: Đến với lễ hội du khách sẽ được hòa mình vào không gian đậm chất văn hóa miền Tây Bắc, nơi có nghệ thuật Xòe Thái, nghệ thuật hát Then được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua các hoạt động của lễ hội nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa, thành tựu, đóng góp của cộng đồng dân tộc Thái trong công cuộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng. Đồng thời, khẳng định vị thế, công lao của những con người đang bám trụ, sống kiên cường ở miền biên giới Tây Bắc.

Thực hành nghi thức cúng Then tại Nhà Then
Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Bên cạnh đó, lễ hội còn góp phần tuyên truyền và phát huy, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn các bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Đây cũng là dịp để nhân dân các dân tộc cùng hội tụ giao lưu văn hóa, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, phát triển, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, từ đó xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội cũng là dịp để huyện Phong Thổ giới thiệu và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc Thái đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát huy tiềm năng du lịch, thu hút du khách thập phương và các nhà đầu tư đến với quê hương Phong Thổ. Qua đó, đẩy mạnh phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030./.

Nguyễn Văn Oanh

Xem thêm