Qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng đã quyết định trao cho 110 tác phẩm, sản phẩm xuất sắc gồm: 8 giải Nhất, 22 giải Nhì, 30 giải Ba và 50 giải Khuyến khích.
TTXVN - Tối 12/10, tại Nhà hát Lớn Thủ đô Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại chủ trì, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao giải.
Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí, xuất bản cùng các tác giả đoạt giải…
Ban Tổ chức Giải thưởng cho biết, tại kỳ Giải thưởng lần thứ IX đã nhận được 1.456 tác phẩm/sản phẩm gửi tham gia, tăng 30% so với kỳ Giải thưởng trước. Số lượng các tác phẩm tăng thêm tập trung chủ yếu tại các hạng mục sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại; báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài; truyền hình; ảnh; video clip. Hạng mục báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt và tiếng nước ngoài vẫn dẫn đầu về số lượng các tác phẩm/sản phẩm tham gia Giải thưởng năm nay.
Chủ đề của các tác phẩm, sản phẩm năm nay bao quát đầy đủ các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa… quan trọng của đất nước, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế; thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, quyền con người; vẻ đẹp đất nước, con người, giá trị văn hóa Việt Nam…
Hình thức thể hiện đa dạng, độc đáo, hiện đại, đáp ứng nhu cầu, thói quen tiếp cận thông tin của các đối tượng khác nhau, nhất là giới trẻ. Nhiều tác phẩm, sản phẩm thể hiện được tư duy đổi mới, sáng tạo về phương thức; ứng dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông mới.
Các tác phẩm, sản phẩm của người nước ngoài chủ yếu tập trung phân tích về chính sách ngoại giao của Việt Nam; vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động giao lưu nhân dân…, thể hiện được sự hiểu biết, tình cảm sâu sắc dành cho đất nước, con người Việt Nam, góp phần tạo luồng thông tin tích cực của dư luận quốc tế về Việt Nam.
Lực lượng báo chí truyền thông vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số các tác giả/ nhóm tác giả, phản ánh qua số lượng các tác phẩm/ sản phẩm thuộc thể loại báo chí, truyền hình, phát thanh, ảnh.
Giải thưởng lần IX tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực của các tác giả, nhóm tác giả là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài với 78 tác phẩm, sản phẩm; đồng thời cũng ghi nhận sự tham gia rất tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan báo chí địa phương, cơ quan nghiên cứu, tổ chức, cá nhân, giới nghệ sỹ, chuyên gia học giả… Nhiều tác phẩm, sản phẩm được đầu tư công phu, có chất lượng; hồ sơ tham gia Giải thưởng nghiêm túc, chỉn chu.
Qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng đã quyết định trao cho 110 tác phẩm, sản phẩm xuất sắc gồm: 8 giải Nhất, 22 giải Nhì, 30 giải Ba và 50 giải Khuyến khích.
8 giải Nhất được trao cho các tác phẩm ở các hạng mục:
Hạng mục Báo in tiếng Việt: Chuyên đề “Bản sắc văn hóa ngoại giao Việt Nam” của nhóm tác giả: Vũ Khoan, Lại Nguyên Thắng, Phạm Văn Tuấn, Tống Thị Hải Lý, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà (Báo Quân đội nhân dân).
Hạng mục Báo điện tử tiếng Việt: “Làm chủ "sức mạnh mềm nhân quyền": Việt Nam tự tin tiến vào "sân chơi lớn" của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng và Phạm Thanh Trà (Báo điện tử VietnamPlus- Thông tấn xã Việt Nam).
Hạng mục Báo in tiếng nước ngoài: “Hiệp định Paris 1973: Bản lĩnh ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh”của nhóm tác giả Lương Thị Hoàng Giang, Nguyễn Thanh Nga và Cao Thị Hoàng Hoa (Báo Le Courrier du Vietnam, Thông tấn xã Việt Nam).
Hạng mục Báo điện tử tiếng nước ngoài: “Ngoại giao cây tre đồng hành cùng dân tộc vượt qua thử thách” của nhóm tác giả Trịnh Linh Hà và Phan Hồng Nhung (Ban Biên tập tin Đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam)
Hạng mục Phát thanh: Tết Nguyên đán mang thông điệp đặc biệt về giá trị văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ: Tiếng Anh của nhóm tác giả: Thu Hoa, Hồng Vân, Ánh Huyền, Ngọc Anh, Nhật Quỳnh, Phương Khanh (Ban Đối ngoại (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam).
Hạng mục Truyền hình: Gala “Tiếng Việt ơi”, Ngôn ngữ: Tiếng Việt của nhóm tác giả: Trần Thị Thu Hà, Vương Ngọc Bích, Lưu Hoài An, Nguyễn Minh Hiếu, Phan Đình Việt Anh, Phạm Trung Thành, Cao Quang Toàn, Nguyễn Tiến Vũ, Phạm Tuấn Anh, Chu Văn Chỉnh, Nguyễn Văn Việt, Chu Mạnh Thắng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Khổng Minh Diệu, Lê Đăng Dũng, Nguyễn Hoàng Hiền (Ban Truyền hình Đối ngoại - VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam).
Hạng mục Ảnh: “Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” của tác giả Lê Trí Dũng (Ban Biên tập Ảnh - Thông tấn xã Việt Nam).
Hạng mục Sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại: Chương trình “Đêm thiêng liêng - Lửa Thanh xuân” và trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” - trân trọng giá trị hòa bình của nhóm tác giả: Nguyễn Thi ̣Bích Thủy, Đào Thi ̣Huệ, Nguyễn Thi ̣Sâm, Lã Bích Thủy, Nguyễn Minh Tuấn, Hoàng Vân Anh, Chu Hà Linh, Lại Thi ̣Minh Thu (Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò).
Tham gia tích cực với số lượng đông đảo các tác phẩm dự thi ở nhiều loại hình, thể loại báo chí, Thông tấn xã Việt Nam tự hào có nhiều tác phẩm đoạt Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX với 19 tác phẩm; trong đó, có 4 giải Nhất, 5 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải Khuyến khích./.