Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm - UBND tỉnh Thanh Hóa ra Công điện khẩn
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công điện khẩn yêu cầu tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhất là phòng ngừa nguy cơ xảy ra đuối nước cho trẻ em.
Trước thực trạng các vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra trong dịp hè, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Công điện khẩn yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, cơ quan đơn vị cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhất là tập trung vào công tác phòng ngừa nguy cơ xảy ra đuối nước cho trẻ em.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị ưu tiên bố trí nguồn lực để tập trung rà soát, phát hiện kịp thời và khẩn trương cải tạo, loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Cụ thể như làm nắp đậy giếng, bể nước, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, rào chắn, biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước (hố sâu, ao, hồ, sông, suối, kênh, mương, bãi tắm,...); phân công người trực, cảnh báo khi khai thác, vận hành các công trình thủy điện, thủy lợi, thủy nông.
Các sở, ngành, địa phương tăng cường tổ chức các đợt cao điểm hành động, các chiến dịch truyền thông sâu rộng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; trong đó, tích cực đổi mới và đa dạng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục; thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội, các nền tảng ứng dụng kỹ thuật số, các cuộc họp dân, sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư,... Qua đó, nâng cao nhận thức, cập nhật các thông tin kịp thời về phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương; vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát, chủ động đưa trẻ em đi học bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan, chính quyền cấp cơ sở rà soát, đưa lực lượng, phương tiện hiện có vào duy trì thường trực, bảo đảm ứng trực sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ. Các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến giao thông đường thủy nội địa có các phương tiện chở trẻ em để hướng dẫn, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chủ động phòng tránh tai nạn đuối nước trẻ em. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn giao trách nhiệm cho các trưởng thôn, bản, khu phố huy động các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tổ liên gia tự quản tại địa bàn dân cư tận dụng cơ sở vật chất, địa điểm vui chơi, giải trí hiện có, mở cửa nhà văn hóa, trường học, sân thể thao,... Qua đó, tạo điều kiện cho trẻ em có môi trường sinh hoạt an toàn, lành mạnh trong dịp hè; phối hợp với gia đình quản lý, giám sát trẻ em, học sinh trong thời gian không đến trường...
Các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước trẻ em; tập trung triển khai ngay các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn, thương tích gây tử vong đối với nhiều trẻ em hoặc có tính chất nghiêm trọng… Qua đó, xử lý nghiêm minh người đứng đầu xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, trường học nếu buông lỏng quản lý, không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật để xảy ra đuối nước trẻ em tại địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn, thương tích trẻ em, làm tử vong 20 trẻ. Gần nhất, vào ngày 22/6/2024, tại bãi biển xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 người tử vong. Cũng trong ngày 22/6, tại xã Định Liên, huyện Yên Định cũng xảy ra vụ đuối nước làm 2 mẹ con tử vong.
Mặc dù, các cấp chính quyền, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp về phòng, chống tai nạn đuối nước để đảm bảo an toàn cho trẻ em, tuy nhiên, tại một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa dành sự quan tâm đúng mức và chỉ đạo sát sao cho công tác này. Công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em chưa được thường xuyên; việc tổ chức rà soát, thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước ở một số địa phương chưa được chú trọng, còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Hoạt động thông tin, giáo dục, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước và dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng, học sinh trong nhà trường chưa được triển khai rộng rãi. Việc quản lý, giám sát con em của các gia đình chưa chặt chẽ, còn để trẻ em tự phát tổ chức vui chơi, bơi lội tại các bãi tắm, ao, hồ, sông, suối,... Trong khi đó, bản thân trẻ em thiếu các kỹ năng phòng, chống đuối nước, an toàn trong môi trường nước, cứu và tự cứu đuối nước./.
Khiếu Tư
- Từ khóa:
- Đuối nước trẻ em
- tỉnh Thanh Hóa
- Công điện khẩn