Với ý nghĩa và tầm quan trọng, tháng 4/2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
TTXVN - Sáng 24/4, Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cùng các tộc họ làng An Vĩnh tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, tri ân công đức những hùng binh Hoàng Sa trong đội Hoàng Sa Bắc hải năm xưa đã vượt biển khơi, cắm, dựng bia vĩnh hằng về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch tỉnh Quảng Ngãi năm 2024.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn đã có từ khoảng đầu thế kỷ XVII, khi các chúa Nguyễn thành lập “đội Hoàng Sa” gồm 70 dân đinh giỏi nghề đi biển, giương buồm vượt sóng ra khơi tìm kiếm hải vật, sản vật, đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển, đảo, đồng thời cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Dù biết đi là "chín phần chết, một phần sống", thế nhưng thế hệ tổ tiên cha ông vẫn luôn đặt vận mệnh của đất nước lên trên tất cả. Theo các nhà nghiên cứu, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ có trên đảo Lý Sơn, ở các địa phương dọc theo bờ biển (những nơi có người đi Hoàng Sa, Trường Sa) đều có Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có Lý Sơn phục hồi, gìn giữ được lễ này một cách hoàn chỉnh, sinh động nhất. Lý Sơn là cái nôi của những binh phu đi Hoàng Sa, Trường Sa ngày trước nên người dân Lý Sơn gìn giữ lễ gần như nguyên vẹn, không bị đứt gãy. Trước năm 2005, Lễ chỉ tổ chức trong các dòng họ, gia đình. Thời gian sau, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, dựa trên chủ thể là bà con các tộc họ tại Lý Sơn, Lễ được khôi phục quy mô hơn.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa như một mạch nối về chủ quyền biển, đảo từ quá khứ đến hiện tại, là thông điệp truyền gửi về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, trở thành sợi dây trao truyền những kiến thức về lịch sử biển, đảo quý báu cho người dân đất Việt.
Ngư dân Nguyễn Hùng Huy (42 tuổi), hành nghề lặn ở ngư trường Hoàng Sa, chia sẻ: "Là ngư dân thường xuyên bám biển Hoàng Sa, mỗi phiên biển, tôi đi từ 30-40 ngày. Mỗi khi đến Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, dù phiên biển chưa xong, tôi vẫn cùng các anh em bạn thuyền quay trở về tham dự. Với chúng tôi, Lễ không chỉ là văn hóa tâm linh, mà còn là dịp tạ ơn các bậc tiền hiền, cầu mong cha, ông phù hộ để chúng tôi có những phiên biển thuận buồm, xuôi gió, tôm cá đầy khoang".
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa gồm phần lễ và phần hội. Kết thúc phần tế lễ, tiếng ốc u được thổi lên từng hồi trầm hùng, hiệu lệnh trai tráng trong làng rước mô hình 5 thuyền câu ra biển, tái hiện lại Lễ tiễn đưa các hùng binh Hoàng Sa Bắc hải năm xưa lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Phần hội là cuộc đua thuyền truyền thống Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), tái hiện phần tuyển chọn những dân binh khỏe mạnh, giỏi nghề đi biển, sung vào đội Hoàng Sa Bắc hải làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng, tháng 4/2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia./.