Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đang được hoàn thiện với nhiều điểm mới nổi bật, trong đó đáng chú ý là việc tăng cường phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thúc đẩy liên thông dựa trên phương thức đào tạo.
Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đang được hoàn thiện với nhiều điểm mới nổi bật, trong đó đáng chú ý là việc tăng cường phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thúc đẩy liên thông dựa trên phương thức đào tạo. Nhiều nhà giáo tại các trường cao đẳng nghề cho rằng những thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội lớn, đồng thời đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi các trường cần chủ động đổi mới cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.
* Liên thông dựa trên phương thức đào tạo
Để thực hiện được chính sách thu hút học sinh, sinh viên, Thạc sỹ Trần Thanh Trình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Ngoại thương, năm học 2025-2026, Trường Cao đẳng Công nghệ Ngoại thương tuyển sinh 29 ngành nghề cao đẳng cung cấp và sơ cấp. Trong đó, nhà trường xác định các ngành nghề mũi nhọn ở 3 lĩnh vực: Nhóm các ngành liên quan tới xuất nhập khẩu (bao gồm ngành kinh doanh xuất nhập khẩu, ngành logistics, ngành thương mại điện tử); nhóm ngành nghề về du lịch - dịch vụ du lịch và nhóm ngành nghề về ngôn ngữ.
Đáng chú ý, Trường quyết định giảm 70% học phí học kỳ 1 của tất cả các ngành nghề, tất cả các cơ sở mà sinh viên nhập học trong năm học 2025-2026. Đánh giá về Dự thảo Luật Giáo dục Nghề nghiệp (sửa đổi), Thạc sỹ Trần Thanh Trình cho biết, Dự thảo Luật Giáo dục Nghề nghiệp (sửa đổi) có nhiều điểm mới đáng chú ý, đặc biệt là sự phân cấp lớn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và liên thông dựa trên phương thức đào tạo.
Những thay đổi này được xem là vừa tạo ra cơ hội lớn, vừa đặt ra không ít thách thức cho Trường Cao đẳng Công nghệ Ngoại thương nói riêng và các trường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói chung nhằm trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời định vị giáo dục nghề nghiệp và tăng cường khả năng thích ứng của giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu thị trường.
Bàn về cơ hội tại các trường cao đẳng nghề nghiệp, Thạc sỹ Trần Thanh Trình cho rằng, với sự phân cấp lớn, các trường sẽ có quyền tự chủ cao hơn trong việc xây dựng chương trình, phương pháp đào tạo và quản lý, từ đó có thể nhanh chóng thích ứng với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Việc liên thông dựa trên phương thức đào tạo sẽ giúp tạo ra những lộ trình học tập linh hoạt và hiệu quả hơn, khuyến khích người học nâng cao trình độ và kỹ năng liên tục. Các trường có thể tập trung vào những lĩnh vực mà mình có thế mạnh, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng trực tiếp nhu cầu của doanh nghiệp.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và các phương thức đào tạo mới, Thạc sỹ Trần Thanh Trình đề xuất các trường cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Việc có đội ngũ giảng viên và nhân lực chất lượng cao, có khả năng cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, đáp ứng được yêu cầu của các phương thức đào tạo tiên tiến là một thách thức lớn. Các trường cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng nhanh chóng với những quy định mới, tránh tình trạng bị động hoặc chậm trễ trong việc triển khai.
Thạc sỹ Trần Thanh Trình mong muốn Dự thảo Luật Giáo dục Nghề nghiệp (sửa đổi) sẽ sớm được thông qua. Đồng thời, kiến nghị cần có các văn bản hướng dẫn, thông tư, nghị định chi tiết đi kèm để Luật thực sự đi vào cuộc sống. Điều này sẽ giúp tạo sự đồng bộ với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của Việt Nam nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
* Mở ra nhiều cơ hội tuyển sinh theo năng lực
Với tư cách là Hiệu trưởng một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, Tiến sỹ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) đánh giá cao những nội dung đổi mới mang tính đột phá trong Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) lần này. Việc xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học độc lập, bên cạnh giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, không chỉ có ý nghĩa pháp lý sâu sắc mà còn khẳng định vị thế, vai trò then chốt của giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc công nhận giáo dục nghề nghiệp là một cấp học sẽ giúp xóa bỏ tâm lý phân biệt “trung cấp – cao đẳng là lựa chọn thứ hai” như lâu nay vẫn tồn tại. Đây là bước tiến lớn, tạo điều kiện để xây dựng các lộ trình học tập liên thông linh hoạt, nơi người học có thể bắt đầu từ giáo dục nghề nghiệp và tiếp tục học lên cao mà không bị “đứt gãy” về pháp lý hay quản lý nhà nước.
Đối với Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, điều này mở ra nhiều cơ hội trong thiết kế chương trình đào tạo tích hợp, tuyển sinh theo năng lực, và phát triển các mô hình “cao đẳng học thuật ứng dụng” – vốn rất phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động hiện nay.
Về hệ thống tuyển sinh, Tiến sỹ Phạm Xuân Khánh cho rằng sự thay đổi này sẽ mở rộng “dòng chảy” người học vào giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là sau trung học cơ sở, khi người học có thể được tư vấn và lựa chọn học nghề sớm, theo đúng năng lực và định hướng cá nhân. Nó cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu vào, khi xã hội bắt đầu nhìn nhận giáo dục nghề nghiệp như một lựa chọn chủ động, có giá trị và nhiều cơ hội phát triển, thay vì chỉ là “giải pháp thay thế”. Tuy nhiên, để những thay đổi này phát huy hiệu quả thực sự, cần song hành với các chính sách hỗ trợ như: Công nhận văn bằng, thúc đẩy liên thông, đảm bảo cơ hội việc làm và học lên cao, cũng như đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và hợp tác doanh nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để giáo dục nghề nghiệp thực sự trở thành một trụ cột vững chắc trong phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Theo Tiến sỹ Phạm Xuân Khánh, việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, như Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đang đề xuất, là một bước đi rất đáng hoan nghênh. Nó thể hiện xu hướng quản lý hiện đại, lấy tự chủ làm động lực phát triển và tin tưởng vào vai trò chủ thể của các trường trong việc quyết định và chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo.
Đối với Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Trường đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận và khai thác hiệu quả quyền tự chủ này. Về chương trình đào tạo, Trường đã và đang xây dựng các chương trình tích hợp, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn ASEAN, đồng thời tổ chức rà soát, cập nhật liên tục theo phản hồi từ doanh nghiệp và thị trường.
Trong lĩnh vực liên kết doanh nghiệp, Trường đã thiết lập mạng lưới hợp tác với hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước, triển khai hiệu quả các mô hình như: đào tạo kép, đào tạo theo đơn đặt hàng, doanh nghiệp đồng xây dựng chương trình – đồng giảng dạy – đồng đánh giá. Đây chính là biểu hiện cụ thể của quyền tự chủ trong tổ chức và nội dung đào tạo, gắn chặt với nhu cầu thực tế.
Đối với tuyển sinh, Trường cũng chú trọng xây dựng năng lực quản trị nội bộ, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn am hiểu thị trường, sẵn sàng đảm nhận vai trò quản trị trong môi trường tự chủ cao./.