UBND thành phố Tuy Hòa kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trong việc thả rông chó nuôi.
Ngày 15/8 vừa qua, tại thôn Tuy Dương, xã An Hiệp, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) xảy ra vụ con chó nghi bị dại cắn 6 người, trong đó có 1 trẻ em. Sau đó, con chó chết khi đang bị nhốt trong lồng.
Trước đó, tối 4/8, một bé trai 7 tuổi (trú tại thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) bị một con chó nuôi trong gia đình bất ngờ cắn vào vùng mặt, gây ra vết thương dài khoảng 15cm, rộng khoảng 10cm, lóc da và lộ xương sọ.
Theo bác sỹ Lê Quốc Huy, Khoa Ngoại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, từ đầu mùa hè đến nay, trung bình mỗi tháng có khoảng 30 trẻ bị chó cắn phải nhập viện điều trị. Riêng trong tháng 7/2024, Bệnh viện ghi nhận gần 60 trường hợp trẻ em đến khám, điều trị do bị chó cắn, trong đó có nhiều trường hợp bị thương rất nặng.
Thành phố Tuy Hòa là địa phương có nhiều biện pháp hiệu quả trong việc phòng, chống bệnh dại trên người. Từ tháng 3/2024 đến nay, các xã, phường tại thành phố đã thành lập nhiều tổ xử lý chó thả rông và ra quân thực hiện trên các tuyến giao thông, nơi công cộng. Trong tháng 7, UBND thành phố đã yêu cầu các xã, phường đồng loạt ra quân xử lý tình trạng chó thả rông. Các địa phương kết hợp tuyên truyền cho người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, dấu hiệu nhận biết chó nghi mắc bệnh dại và biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Theo bà Nguyễn Thị Hương Thắm, Phó Chủ tịch UBND Phường 7 (thành phố Tuy Hòa), Tổ xử lý chó thả rông của phường đã tổ chức nhiều đợt ra quân thực hiện tại các khu phố, tuyến đường trên địa bàn. Thành phố yêu cầu các chủ vật nuôi ký cam kết không thả chó ra đường, nếu tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đến nay, tình trạng chó thả rông đã giảm rõ rệt từ 60 - 70% so với trước đây, người dân đồng tình ủng hộ.
UBND thành phố Tuy Hòa kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trong việc thả rông chó nuôi. Cụ thể, chủ nuôi có chó thả rông bị bắt thì phải đóng phạt từ 1 - 2 triệu đồng/trường hợp. Ngoài ra, người nuôi phải chịu mọi chi phí nuôi dưỡng và tiêu hủy chó trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định pháp luật.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 28 trường hợp chó nghi dại cắn người với 79 người bị chó cắn, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Trong 7 tháng của năm 2024, toàn tỉnh có gần 8.000 người tiêm phòng bệnh dại và gần 500 người tiêm huyết thanh kháng dại. Số lượng người đi tiêm phòng dại tăng so với các năm trước cho thấy nhận thức của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, qua đây cũng phản ánh tình trạng ngày càng có nhiều động vật dại hoặc nghi dại cắn người. Việc quản lý vật nuôi trong mỗi gia đình cần được thực hiện đảm bảo, an toàn hơn.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên Châu Trọng Phát nhận định: Từ nay đến cuối năm, tình hình bệnh dại sẽ còn diễn biến phức tạp, do vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Thú y và Y tế trong phòng, chống bệnh dại. Hiện nay, một bộ phận người dân chưa nhận thức hết về sự nguy hiểm của bệnh dại, chủ quan không đi tiêm phòng sau khi bị chó, mèo cắn, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Do vậy, công tác tuyên truyền vô cùng quan trọng. Khi nuôi chó, mèo trong nhà, người dân phải đưa đi tiêm phòng hằng năm; khi thả chó, mèo ra ngoài phải có biện pháp bảo vệ./.