Triển lãm “10 năm hoài niệm - Nguyễn Cương”, giới thiệu tới công chúng trên 80 tác phẩm mỹ thuật của cố họa sỹ Nguyễn Cương, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông.
Ngày 24/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm “10 năm hoài niệm - Nguyễn Cương”, giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật của cố họa sỹ Nguyễn Cương (1943 - 2014), nguyên Giám đốc xưởng Mỹ thuật quân đội, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông.
Chị Nguyễn Đan Sa, con gái họa sỹ Nguyễn Cương cho biết, triển lãm lần này giới thiệu tới công chúng trên 80 tác phẩm mỹ thuật, được họa sỹ Nguyễn Cương thể hiện với chất liệu sơn mài, sơn dầu, ký hoạ chì và màu nước. Các tác phẩm được sáng tác trong thời gian từ năm 1970 đến năm 2014. Đề tài sáng tác của họa sỹ Nguyễn Cương tiêu biểu là hình tượng người chiến sỹ trong chiến đấu và trong lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, các tác phẩm cũng thể hiện nhân sinh quan của tác giả về cuộc sống, tranh tĩnh vật, tranh trừu tượng các góc nhìn tâm tưởng của họa sỹ.
Phát biểu tại triển lãm, họa sỹ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, nói đến họa sỹ Nguyễn Cương, chúng ta nhớ ngay đến bức tranh sơn mài “Xưởng đóng tàu Bạch Đằng”, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đó là tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu, khẳng định tài năng, tư duy đổi mới của họa sỹ Nguyễn Cương vào thời điểm những người cùng thế hệ với ông chưa có tư duy đổi mới như vậy.
“Xưởng đóng tàu Bạch Đằng” là một bức tranh sơn mài có bảng màu rất độc đáo với màu trắng của vỏ trứng, màu ghi, màu sáng… trong khi tất cả các họa sỹ sơn mài thời đó đều chỉ vẽ sơn mài với bảng màu là màu đen, màu son đỏ… Đây là tác phẩm bước ngoặt trong nhìn nhận và sử dụng chất liệu sơn mài, có thể nói đó là bảng màu đầu tiên đạt hiệu quả khi thay đổi về tư duy bảng màu sơn mài Việt Nam.
“Trên 80 tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này cho chúng ta thấy, họa sỹ Nguyễn Cương là người có tư duy tạo hình, tư duy thẩm mỹ và có mỹ cảm rất mới mẻ, tiên phong so với những người cùng thế hệ với ông. Xem các tác phẩm trong phòng trưng bày của ông, chúng ta có cảm giác đó là những tác phẩm của các họa sỹ thời bây giờ vẽ, chứ không phải là lớp họa sỹ từ cách đây vài chục năm vẽ. Họa sỹ Nguyễn Cương đã đi trước thời của ông và hòa nhịp với thế hệ bây giờ”, họa sỹ Vi Kiến Thành nhấn mạnh.
Nói về họa sỹ Nguyễn Cương, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo - người được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, xúc động chia sẻ: “Họa sỹ Nguyễn Cương là người đồng chí cùng đơn vị, một họa sỹ tài năng, luôn trăn trở, hết lòng với nghệ thuật và sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tươi đẹp. Ông là người nghệ sỹ đáng kính, là tấm gương sáng trong sáng tạo nghệ thuật cùng thời với chúng tôi”.
Họa sỹ Nguyễn Cương sinh ngày 2/1/1943 tại Hải Phòng. Năm 1962, ông nhập ngũ, và có gần 30 năm phục vụ trong quân đội. Trong thời gian đó, ông vẫn song hành sáng tác nghệ thuật. Năm 1974, họa sỹ Nguyễn Cương tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Đến năm 1983, ông tiếp tục tốt nghiệp cao học tại Đại học Mỹ thuật Budapest, Hungary.
Trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật dài 45 năm của mình, họa sỹ Nguyễn Cương đã vẽ khoảng 500 bức tranh. Ngoài hội họa giá vẽ, ông còn sáng tác nhiều tranh tường khổ lớn và thực hành điêu khắc. Ông là một tấm gương lao động nghệ thuật liên tục, cho đến khi qua đời ở tuổi 71. Triển lãm lần này như một nén hương trầm đặc biệt để tưởng niệm 10 năm ngày mất của cố họa sỹ Nguyễn Cương, một họa sỹ tài năng, bình dị, hết lòng về nghệ thuật.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 30/5/2024./.