Ngày 8/5, UBND thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) phối hợp với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức Lễ công bố kỷ lục Việt Nam “Thị xã có mật độ nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ngành Thái trắng nhiều nhất Việt Nam”.
Quyền Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay Nguyễn Đạt Long nhấn mạnh, Mường Lay là mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa phong phú, là nơi hội tụ nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái, ngành Thái trắng chiếm tỉ lệ lớn. Đồng bào đã chung tay xây dựng hàng nghìn ngôi nhà sàn truyền thống, tạo nên một quần thể kiến trúc đặc sắc, gắn bó hài hòa giữa đời sống đương đại và không gian văn hóa truyền thống giữa đại ngàn Tây Bắc.
Vật liệu chủ yếu sử dụng để làm nhà là gỗ có chất lượng tốt, chống mối mọt và bền. Mái nhà được lợp bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như cỏ gianh, đá đen, ngói, tôn hoặc các vật liệu địa phương khác, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Quá trình xây dựng nhà sàn được thực hiện dưới sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng. Với kỹ năng thủ công truyền thống, khả năng tính toán chính xác và tinh thần đoàn kết, người dân đã dựng nên những ngôi nhà sàn kiên cố. Các ngôi nhà này thường tập trung dưới chân núi, ven thung lũng hoặc gần những cánh đồng rộng lớn, hình thành nên các cộng đồng làng bản có chung nền văn hóa, góp phần duy trì và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện thị xã Mường Lay có 1.192 hộ có nhà sàn truyền thống trong tổng số 3.198 hộ dân, với mật độ nhà sàn đạt khoảng 10,58 nhà/km², cao hơn nhiều so với các địa phương có tương đồng về dân tộc Thái ngành Thái trắng đang sinh sống. Điều này chứng minh nơi đây có sự tập trung lớn nhất của nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái trắng (1.192 hộ).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn nhấn mạnh, việc xác lập Kỷ lục Việt Nam đã khẳng định sâu sắc giá trị của nhà sàn truyền thống người Thái trắng tại thị xã Mường Lay không chỉ đơn thuần là nơi cư trú, mà còn là biểu tượng văn hóa thiêng liêng, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của cộng đồng. Danh hiệu kỷ lục đã tôn vinh nhà sàn như một “bảo tàng sống”, nơi lưu giữ kho tàng kiến thức dân gian, kỹ thuật kiến trúc truyền thống và giá trị văn hóa bản địa.
Thời gian tới, chính quyền địa phương cần tiếp tục phát huy, biến kỷ lục thành tiềm năng khai thác phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Việc xác lập kỷ lục chỉ là phương tiện, không phải là đích đến, cần tiếp tục nuôi dưỡng và duy trì các nghi lễ, phong tục đặc trưng của người Thái trắng như Lễ hội Then Kin Pang, múa Xòe, hát dân ca… để góp phần gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc, nâng tầm giá trị văn hóa của nhà sàn Thái trắng Mường Lay./.