Chỉ đạo, Điều hành

Nam Định đưa nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh vào cuộc sống

Nam Định

Các nghị quyết được các cấp, các ngành, các địa phương cụ thể hóa và triển khai thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, đạt hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định khóa XIX biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp
Ảnh: Công Luật - TTXVN

Năm 2024 được tỉnh Nam Định xác định là năm bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng góp phần tháo gỡ những nút thắt, giải quyết những khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Hiệu quả các nghị quyết

Từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức 6 kỳ họp, trong đó có tới 5 kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất nhằm thảo luận, biểu quyết thông qua 80 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực: An ninh trật tự, đầu tư công, tài chính, tài nguyên môi trường… Sau khi được ban hành, các nghị quyết được các cấp, các ngành, các địa phương cụ thể hóa và triển khai thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, đạt hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Một góc thành phố Nam Định
 Ảnh: Công Luật - TTXVN

Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về việc thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định, giai đoạn 2023-2025 được Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định ban hành là nghị quyết có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Nam Định trong giai đoạn mới, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 ngày 23/7/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đối với tỉnh Nam Định. Đây là một trong 3 địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2024. Sau sắp xếp, Nam Định có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 1 thành phố và 8 huyện); 175 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn).

Buổi diễn tập ra mắt lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở huyện Hải Hậu.
 Ảnh: Công Luật - TTXVN

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, việc sắp xếp đơn vị hành chính góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Khi không gian phát triển của đơn vị hành chính cấp xã được mở rộng sắp xếp lại, có ít đầu mối hơn, mặt bằng quy mô dân số và diện tích của các đơn vị đồng đều hơn sẽ thuận tiện cho việc quản lý, chỉ đạo, điều hành, quy hoạch, phân bổ nguồn lực cho các địa phương.

Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức chi hỗ trợ, bồi dưỡng, trợ cấp đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định. Theo đó, mỗi thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh sẽ thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo có tổ trưởng, tổ phó, tổ viên. Mức kinh phí hỗ trợ thường xuyên hàng tháng đối với tổ trưởng tổ bảo vệ an ninh trật tự là 1,5 triệu đồng/tháng; tổ phó là 1,4 triệu đồng/tháng; tổ viên là 1,3 triệu đồng/người. Ngoài ra, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hải Giang, huyện Hải Hậu khẳng định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có vai trò quan trọng góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, giữ vững môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây sẽ là lực lượng quần chúng đắc lực, tinh nhuệ và là cánh tay nối dài của lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Nghị quyết số 11/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đưa vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy phát triển vươn ra biển để trở thành một vùng kinh tế biển trọng điểm của tỉnh Nam Định, một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng phía Đông Nam bảo đảm phát triển bền vững gắn với môi trường sinh thái biển. Phát triển hệ thống các đô thị đồng bộ, hiện đại có môi trường sống chất lượng cao, hệ thống hạ tầng hiện đại gắn với cảng biển lớn mạnh.

 Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cho biết, các nghị quyết được ban hành đều đáp ứng đầy đủ về cơ sở pháp lý, sự cần thiết từ thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật. Bên cạnh việc ban hành các nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ hằng năm, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng có nhiều nghị quyết chuyên đề theo từng giai đoạn, từng lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn tại địa phương.

Khu đô thị mới ở thành phố Nam Định.
 Ảnh: Công Luật - TTXVN

Quá trình tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định đều tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, từ việc ban hành chương trình xây dựng pháp luật đến việc tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp. Mặt khác, đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh thống nhất quan điểm, biện pháp giải quyết, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Để các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, sau khi nghị quyết được thông qua tại mỗi kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định đều đề nghị, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động triển khai thực hiện các nghị quyết đảm bảo trình tự, thủ tục, quy trình theo quy định pháp luật hiện hành. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết.

Ngoài việc tập trung giám sát các nghị quyết thuộc những ngành, lĩnh vực trọng điểm, giám sát những nội dung cử tri quan tâm, Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định còn thực hiện giám sát nghị quyết của Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội… Qua giám sát đã khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế giúp các nghị quyết được ban hành đúng thẩm quyền, thủ tục, trình tự, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương góp phần đưa nghị quyết đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả../.

Công Luận

Xem thêm