Tại Hưng Yên, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn còn thấp, nhất là ở bậc Tiểu học (1,23%) và Trung học Cơ sở (3,43%).
Ngành Giáo dục và Đào tạo và các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, điều chuyển, phân công giáo viên theo vị trí việc làm, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, môn học. Đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên Mầm non, Tiểu học và giáo viên dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng, tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 -2025, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 20/8.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 ở các bậc học đều đạt ở mức cao từ 93-100%. Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn còn thấp, nhất là ở bậc Tiểu học (1,23%) và Trung học Cơ sở (3,43%). Do vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy cho đội ngũ các giáo viên ở từng cấp học. Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương, Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là bậc Mầm non và Tiểu học; triển khai việc sắp xếp giáo viên đủ theo môn học, nhất là các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật...
Ông Nguyễn Duy Hưng yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục, trường học đạt chuẩn quốc gia theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh; xây dựng quy hoạch tổng thể ngành Giáo dục và Đào tạo phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, thực hiện tốt công tác tuyển sinh và thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025. Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả việc quản trị trường học; chú trọng các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12...
Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên Đỗ Văn Khải cho biết, năm học 2024-2025, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; tăng cường xã hội hóa giáo dục, cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục...
Theo ông Đỗ Văn Khải, hiện toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên có 16.721 cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục, mầm non, phổ thông. Sở và UBND các địa phương đang tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục trình UBND tỉnh phê duyệt để đảm bảo giáo viên giảng dạy năm học 2024 - 2025.
Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 398/486 trường đạt chuẩn quốc gia, 78 trường đạt kiểm định chất lượng; tất cả các xã, phường, thị trấn, các huyện, thị xã, thành phố và tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở mức độ 3; tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 đạt 99,53%. Toàn tỉnh có 444 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh bậc Trung học Cơ sở, 524 học sinh giỏi cấp tỉnh bậc Trung học Phổ thông. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tỉnh có 60/90 thí sinh dự thi đạt giải.
Tại hội nghị, 4 nhà giáo vinh dự được tặng danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú"; nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024 được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen./.