Xã hội

Nâng cao giá trị tỏi Lý Sơn

Quảng Ngãi

Những năm gần đây, huyện Lý Sơn đã vận động bà con nhân dân sản xuất tỏi theo hướng hữu cơ, nông sản sạch, nhằm nâng cao giá trị cho cây tỏi.

Tỏi hữu cơ do Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Phú Sinh liên kết trồng nông dân đang sinh trưởng tốt
Ảnh: Phạm Cường- TTXVN

Tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ trồng được 1 vụ trong năm thời gian trồng từ cuối tháng 9 và cho thu hoạch sau 4 tháng. Niên vụ tỏi Đông Xuân 2024-2025 này toàn huyện Lý Sơn đã gieo trồng trên 320ha tỏi, trong đó nhiều nông hộ, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã mạnh dạn trồng tỏi theo hướng hữu cơ.

Niên vụ tỏi này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Phú Sinh đã liên kết với nông dân huyện Lý Sơn trồng 5,5 ha tỏi hữu cơ. Ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Công ty cho biết, đây là vụ đầu tiên công ty trồng tỏi hữu cơ với mong muốn tạo ra sản phẩm tỏi sạch, chất lượng cao ở đảo. Để trồng tỏi hữu cơ, Công ty đã hướng dẫn cho nông dân sử dụng phân 0SS bót lót tạo vi sinh dinh dưỡng, tạo độ ẩm trước cho đất. Đồng thời, tiếp tục sử dụng phân vi sinh OJG và thuốc sinh học phun lên bề mặt đất lúc trơi mát để xua đuổi côn trùng, nấm.

Sau khi các bước xử lý đất hoàn thành mới tiến hành ngâm tỏi giống với nước sạch và phân OjG từ 3-4 tiếng rồi chạy rãnh, xuống giống. Đến nay, sau 1 tháng trồng với điều kiện khí hậu thuận lợi, cây tỏi hữu cơ đang sinh trưởng và phát triển tốt. “Ngoài trồng tỏi hữu cơ, Phú Sinh cũng đang liên kết với nông dân trồng hơn 40ha tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP tạo nguồn nguyên liệu tỏi đảm bảo chất lượng để đưa vào chế biến. Hiện tại, Công ty có 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP”, ông Nguyễn Văn Nhật cho biết.

Theo Phó Phòng Kinh tế và Hạ tầng Nông thôn huyện Lý Sơn, để tạo hướng đi mới cho người trồng tỏi. Thời quan qua, Phòng hướng dẫn kỹ thuật và tuyên truyền cho người dân cách trồng tỏi hữu cơ. Để cây tỏi phát triển tốt nông dân phải chọn giống tỏi củ to, tép mọng và chọn thời điểm xuống giống phù hợp. Các phòng ban liên quan của huyện cũng khuyến cáo nông dân thực hiện kỹ các khâu làm đất, sửa chửa hệ thống tưới tiêu, xử lý sâu bệnh để giảm thiểu thiệt hại.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, những năm gần đây, huyện đã vận động bà con nhân dân sản xuất tỏi theo hướng hữu cơ, nông sản sạch, nhằm nâng cao giá trị cho cây tỏi trên địa bàn huyện. Trên địa bàn huyện đã có một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đã có chuỗi liên kết, kết hợp với người dân để sản xuất mô hình tỏi sạch, trên cơ sở đó vừa để trải nghiệm, vừa nâng cao giá trị, cũng để có cơ sở đánh giá, nhân rộng, tuyên truyền cho người dân sản xuất tỏi trên địa bàn huyện Lý Sơn.

Bình quân, mỗi sào đất cần trồng từ 40 – 50 kg tỏi tép giống, với giá tỏi tép khoảng 120 – 150 nghìn đồng/kg và mỗi sào đất nông dân phải đầu tư cho tỏi giống và cải tạo đất khoảng 8 – 10 triệu đồng/sào. Vụ tỏi năm nay người dân Lý Sơn không chật vật, lo âu trước khi bước vào sản xuất. Hiện nay với số lượng tỏi giống trên đảo cung ứng đủ cho người dân, không lo việc thiếu giống, tỏi kém chất lượng hay thời tiết bất lợi vào thời điểm xuống giống như những năm trước.

Ông Trương Đình Phước, thôn Tây An Hải, huyện Lý Sơn cho biết: So với các năm trước, năm nay người dân trồng tỏi ở Lý Sơn được thời tiết ủng hộ đầu vụ. Khi trồng tỏi xuống trên đảo có mưa tạo điều kiện cho cây tỏi đã mọc rộ đều. Vụ tỏi Đông Xuân được nông dân huyện đảo Lý Sơn đặt nhiều kỳ vọng. Bởi nếu tỏi này được mùa, được giá thì giá trị kinh tế do tỏi mang lại có thể bằng hoặc ba vụ sản xuất cây hành cùng trên diện tích đất trong năm./.

Phạm Cường

Xem thêm