Xã hội

Nâng cao năng lực kỹ thuật định danh hài cốt liệt sĩ

Hà Nội

Phòng thí nghiệm ADN mới sẽ giúp đội ngũ cán bộ Việt Nam tiến hành phân tích ADN trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu trong việc giải trình tự các mẫu hài cốt lâu năm; mở ra khả năng khớp nối dữ liệu với mẫu thân nhân thông qua nền tảng sinh học phân tử tiên tiến.

Quang cảnh buổi lễ
Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh thông qua hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao”, chiều 10/7, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ tiếp nhận bàn giao thiết bị Phòng thí nghiệm tại Trung tâm giám định ADN - Viện sinh học.

Tham dự buổi Lễ có: Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper; đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Kiểm kê Quân nhân Mất tích và Tù binh Chiến tranh Hoa Kỳ (DPAA), Ủy ban Quốc tế về Người mất tích (ICMP), cùng đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ,... 

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Hoàng Hà nhấn mạnh, trong gần hai năm qua, các nhà khoa học của Viện Sinh học và các chuyên gia quốc tế từ Ủy ban Quốc tế về Người mất tích đã nỗ lực không ngừng để phát triển, tối ưu hóa và chuyển giao công nghệ phân tích ADN hài cốt liệt sĩ tiên tiến trên nền kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới (NGS), dựa trên các chỉ thị SNP phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam do phần lớn các mẫu hài cốt đã bị phân hủy nặng sau nhiều thập kỷ trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm.

Mẫu hài cốt chờ xét nghiệm ADN
Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Các kết quả thu được từ Dự án rất đáng ghi nhận, tỷ lệ chiết tách thành công ADN từ các mẫu hài cốt tăng từ 22% lên tới 70%, minh chứng cho một bước tiến quan trọng về công nghệ. Việc giải trình tự gen và phân tích chỉ thị SNP đã mở ra khả năng khớp nối với thân nhân có quan hệ huyết thống xa đến 4 hoặc 5 thế hệ – điều chưa từng đạt được trước đây. Đây là lần đầu tiên các chuyên gia đã chứng minh được tính khả thi của việc áp dụng công nghệ tiên tiến với nền tảng kỹ thuật SNP-NGS vào công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực nhân đạo đầy ý nghĩa mà cả hai quốc gia cùng theo đuổi. Thành công này là minh chứng cụ thể cho hiệu quả của hợp tác khoa học giữa hai nước trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn xác định đây không chỉ là một dự án khoa học, mà còn là một sứ mệnh nhân đạo cao cả.

Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà cho biết, kể từ ngày 1/7/2025, việc quản lý nội dung thuộc khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh thông qua hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao” sẽ được chuyển giao từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ sang Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội là đơn vị trực tiếp giám sát và thực hiện các phần việc còn lại theo tiến độ Dự án được phê duyệt. Sự điều chuyển này khẳng định cam kết lâu dài của Chính phủ Hoa Kỳ đối với các chương trình nhân đạo tại Việt Nam, trong đó có Dự án giám định ADN mà hai bên đang cùng nhau triển khai.

Tại buổi Lễ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đánh giá cao kết quả đạt được giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với các đối tác cũng như với Ủy ban Quốc tế về Người mất tích. Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Viện Hàn lâm cùng các đối tác nói riêng và giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung.

Lễ bàn giao Phòng thí nghiệm
Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Đại sứ Marc Knapper ghi nhận những bước tiến về công nghệ của Việt Nam, nỗ lực của các bên trong việc hỗ trợ kết nối giữa những dữ liệu của liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; sự phối hợp, hỗ trợ các bộ, ban, ngành của Việt Nam trong thực hiện các cam kết về giám định hài cốt liệt sĩ, kết nối với thân nhân liệt sĩ trong suốt thời gian qua, góp phần giải quyết hậu quả sau chiến tranh. Đại sứ Marc Knapper mong muốn, các bên sẽ tiếp tục phối hợp để triển khai dự án đạt kết quả tốt.

Dự án được triển khai với sự tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua hình thức ODA không hoàn lại, dưới sự phối hợp hiệu quả giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Ủy ban Quốc tế về Người mất tích cùng các cơ quan chức năng của hai nước.

Phòng thí nghiệm ADN mới được khánh thành và đưa vào vận hành giúp các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nâng cao năng lực kỹ thuật và từng bước làm chủ công nghệ hiện đại. Cơ sở vật chất và thiết bị do phía Hoa Kỳ tài trợ sẽ giúp đội ngũ cán bộ Việt Nam tiến hành phân tích ADN trên quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu khắt khe trong việc giải trình tự các mẫu hài cốt lâu năm, đồng thời mở ra khả năng khớp nối dữ liệu với mẫu thân nhân thông qua các nền tảng sinh học phân tử tiên tiến.

Các đại biểu tham quan Phòng thí nghiệm
Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Đến nay, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ủy ban Quốc tế về Người mất tích đã hợp tác xây dựng và áp dụng các quy trình phân tích ADN tiên tiến, quy trình tạo thư viện và giải trình tự thế hệ mới (NGS) với bộ chỉ thị SNP (một dạng biến thể di truyền), đặc biệt phù hợp với đặc thù mẫu hài cốt đã bị phân hủy nghiêm trọng sau nhiều thập kỷ chôn cất trong môi trường khí hậu ở Việt Nam.

Buổi Lễ diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 - 2025). Đây là một dấu mốc ý nghĩa, thể hiện cam kết chung trong hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng hướng đến tương lai thông qua khoa học và công nghệ.

Ngay sau buổi Lễ, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Cơ quan Kiểm kê Quân nhân Mất tích và Tù binh Chiến tranh Hoa Kỳ, Ủy ban Quốc tế về Người mất tích tiến hành trao nhận biên bản bàn giao thiết bị của Dự án, thực hiện nghi thức gắn biển chứng nhận Dự án và tham quan Trung tâm Giám định AND./.

Nguyễn Quyết Chiến

Xem thêm