Hội nghị nhằm đánh giá kết quả công tác khuyến học thời gian qua, đồng thời triển khai một số định hướng về tổ chức hoạt động Hội sau sáp nhập, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Sáng 10/7 tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác khuyến học trong tình hình mới, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Hội khuyến học các tỉnh, thành phố. Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả công tác khuyến học thời gian qua, đồng thời triển khai một số định hướng về tổ chức hoạt động Hội sau sáp nhập, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, trải qua gần 30 năm xây dựng, phát triển, Hội Khuyến học Việt Nam đã khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong việc thúc đẩy phong trào học tập toàn dân. Tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam phát triển vững mạnh, mở rộng khắp các thôn, xã trên cả nước với gần 27 triệu hội viên. Nhiều nơi, tỷ lệ Đảng viên tham gia Hội đạt tới 80%.
Phong trào học tập suốt đời thông qua 5 mô hình học tập đã làm bừng không khí học tập sôi nổi trên khắp cả nước. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn như đại dịch COVID-19, phong trào khuyến học không những không chững lại còn vươn lên mạnh mẽ. Quỹ khuyến học ở các cấp Hội tiếp tục tăng trưởng bền vững. Hằng ngày, trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội Zalo “Khuyến học Việt Nam” đều ghi nhận những hoạt động trao học bổng ý nghĩa do các cấp Hội tổ chức. Các phong trào gây quỹ sáng tạo như “Nuôi heo đất” tại các tỉnh phía Nam, “Con gà Khuyến học”, “Cây bưởi Khuyến học” ở Phú Thọ và một số tỉnh phía Bắc đã góp phần quyên góp hàng nghìn suất học bổng thiết thực, mở ra cơ hội học tập cho học sinh nghèo, khuyến khích học sinh giỏi và người lớn tiếp tục học tập, nâng cao tri thức. Các giải thưởng và học bổng như “Học không bao giờ cùng” – theo lời dạy của Bác Hồ – hay Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” đã trở thành những thương hiệu tiêu biểu của Hội Khuyến học Việt Nam.
Cũng theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc sáp nhập các tỉnh, thành phố là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tại Đại hội Hội Khuyến học các tỉnh, thành sắp tới, một số đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch sẽ không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ nên Hội nghị hôm nay mang ý nghĩa đặc biệt: không chỉ là lời tri ân mà còn là dịp xin ý kiến về một số định hướng công tác của Hội trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Doan cũng bày tỏ tin tưởng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, các đồng chí lãnh đạo Hội khuyến học các tỉnh, thành phố vẫn luôn là người “gieo hạt”, là tấm gương về học tập, lòng yêu tri thức, cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Những giá trị đó vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa và truyền cảm hứng cho lớp cán bộ Hội kế cận.
Trong bối cảnh các địa phương thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội, tổ chức Hội Khuyến học các cấp cũng được điều chỉnh tương ứng, tiếp tục đồng hành cùng bộ máy chính quyền mới bằng tư duy mới, quyết tâm mới, định hướng mới. Trước mắt, năm 2025, Hội Khuyến học Việt Nam tập trung triển khai nhiệm vụ quan trọng là tham mưu sắp xếp tổ chức Hội Khuyến học cấp tỉnh, cấp xã sau sáp nhập đơn vị hành chính, đồng thời hướng dẫn tổ chức đại hội Hội Khuyến học các cấp và triển khai các chương trình công tác phù hợp với điều kiện mới.
Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ 8 vào tháng 7/2025 và lần thứ 9 vào tháng 12/2025; tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 5 vào tháng 12/2025 để thảo luận, chỉ đạo công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII. Bên cạnh đó, Lễ trao Học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ 5 sẽ diễn ra tại Nghệ An, trao 250 suất học bổng cho học sinh, sinh viên và người lớn học tập tốt tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.
Song song với đó, Hội tiến hành sơ kết việc thực hiện hai Quyết định 387 và 677 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu trên toàn quốc. Một tọa đàm chuyên đề với chủ đề “Phối hợp giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội trong giáo dục đạo đức, quản lý học sinh, sinh viên” theo hướng xanh hóa và phát triển bền vững cũng sẽ được tổ chức trong năm nay. Ngoài ra, Hội tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức liên quan phát động, phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập toàn dân ngày càng phát triển.
Về nhiệm vụ dài hạn, Hội Khuyến học tiếp tục từng bước triển khai các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển xanh. Trọng tâm là việc thực hiện hiệu quả các Quyết định 387 và 677 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030, đồng thời bổ sung 5 bộ tiêu chí mới cho các mô hình học tập, gắn với tư duy xanh, kỹ năng xanh và lối sống xanh, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Cùng với đó, Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, phân tích rõ những điểm nghẽn và đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn. Công tác tổ chức bộ máy Hội cũng được chú trọng tinh gọn, hiệu quả, với phương thức đánh giá cán bộ dựa trên vị trí việc làm.
Thời gian tới, nhiều hội thảo và tọa đàm chuyên đề sẽ được tổ chức nhằm định hướng xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời sau Đại hội XIV của Đảng. Song song đó là nỗ lực thúc đẩy phát triển hệ thống Trung tâm học tập cộng đồng và các mô hình trường học xanh theo hướng số hóa, phát triển bền vững. Hội cũng đặt mục tiêu đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội cùng tham gia xây dựng xã hội học tập, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Hội phát động. Chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ, hội viên được xác định là một trong những giải pháp trọng yếu trong giai đoạn mới./.