“Khuyến học xanh” là yêu cầu cấp thiết và là cơ hội để Hội Khuyến học Việt Nam nâng cao hiệu quả giáo dục cộng đồng.
Chương trình “Khuyến học xanh” là chủ trương của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đây cũng là nội dung chính của Hội thảo do Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Đại học Thái Nguyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức, ngày 10/4.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên Đỗ Thị Thìn khẳng định tầm quan trọng của Chiến lược tăng trưởng xanh đối với sự phát triển bền vững của xã hội trên nền tảng quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh trong xây dựng quốc gia xanh, nền kinh tế xanh, giáo dục xanh, khuyến học xanh, góp phần phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên số. Mục đích cốt lõi của “Khuyến học xanh” là xây dựng kế hoạch, tiến tới việc hoàn thiện các tiêu chí của 5 mô hình học tập gồm “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Công dân học tập” trong thời gian tới. Chương trình đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục, quản lý học sinh theo hướng “Tư duy xanh, lối sống xanh, kỹ năng xanh”, từ đó, đóng góp tích cực cho thực hiện mục tiêu “Giáo dục vì sự phát triển bền vững”, xây dựng thành công xã hội học tập trong kỷ nguyên mới.
Tại hội thảo có nhiều báo cáo, tham luận mang tính lý luận, thực tiễn đã làm rõ hơn những nội dung cơ bản của “Phát triển xanh”, “Giáo dục xanh” gắn với “Khuyến học xanh”. Trong đó, nhiều ý kiến mang nội dung cụ thể, vận dụng vào nhiệm vụ mà Hội Khuyến học các cấp đang thực hiện…
Ông Nguyễn Xuân Bách, Trưởng Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho rằng, chuyển đổi xanh không chỉ là một xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế xã hội, mà còn là một yêu cầu cấp thiết trong giáo dục, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên đang diễn ra nhanh chóng, nghiêm trọng. Trong quá trình đó, giáo dục đóng vai trò nền tảng, dẫn đường và kiến tạo hành vi xanh cho thế hệ tương lai.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Quang Thuấn chia sẻ thông tin về chuyển đổi xanh trong xây dựng 5 mô hình học tập của Hội khuyến học. Trong đó, mô hình “Gia đình học tập xanh” là khi gia đình thực hành các thói quen xanh như tiết kiệm năng lượng, phân loại rác, sử dụng thực phẩm sạch và tự nhiên, từ đó con trẻ sẽ có cơ hội tiếp thu và duy trì lối sống bền vững này. Xây dựng “Dòng họ học tập xanh” sẽ là các hoạt động trong buổi họp mặt, sinh hoạt dòng họ về nội dung bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và phát triển kinh tế bền vững. “Cộng đồng học tập xanh” là các trường học, trung tâm giáo dục triển khai chương trình “Trường học xanh”, “Thư viện xanh”, “Lớp học không rác thải” để xây dựng môi trường học tập thân thiện với thiên nhiên. “Đơn vị học tập xanh” là việc đẩy mạnh ứng dụng năng lượng sạch, giảm thiểu in ấn giấy tờ không cần thiết và tăng cường ứng dụng công nghệ số. “Công dân học tập xanh” là mỗi cá nhân có thể tiếp thu các kiến thức xanh từ nhiều nguồn khác nhau, thực hành tiêu dùng xanh và tham gia vào các hoạt động môi trường sẽ góp phần tạo nên xã hội học tập bền vững.
Những năm gần đây, chuyển đổi xanh đã trở thành một nội dung được các cơ sở giáo dục ở Thái Nguyên quan tâm triển khai thông qua các hoạt động tuyên truyền, tích hợp trong giảng dạy, sinh hoạt học đường. Tiêu biểu như Trường Tiểu học Hồng Tiến 2, thành phố Phổ Yên là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình “Khuôn viên sinh thái học đường” với hệ thống vườn rau hữu cơ, vườn cây thuốc nam, khu vực “góc học tập ngoài trời” bằng vật liệu tái chế. Trường Trung học cơ sở Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên với "Sơ đồ tuần hoàn rác thải” giúp học sinh hiểu được vòng đời của sản phẩm, cách tái chế và giảm thiểu rác. Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, thành phố Thái Nguyên có câu lạc bộ “Giờ xanh học đường” với các dự án nhỏ như “Ống đựng bút tái chế”, “Hộp bút từ lon sữa”, “Trang phục tái chế trình diễn thời trang xanh”…
Có thể nói, “Khuyến học xanh” là yêu cầu cấp thiết và là cơ hội để Hội Khuyến học Việt Nam nâng cao hiệu quả giáo dục cộng đồng. Việc tích hợp các yếu tố xanh vào 5 mô hình học tập không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp nâng cao chất lượng sống của người dân, hướng tới một xã hội học tập bền vững./.
- Từ khóa:
- Chương trình
- Khuyến học xanh
- Thái Nguyên