Giáo dục

Góp ý xây dựng Đề án nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non ở đô thị, khu công nghiệp

Cần có cơ chế đặc thù để phát triển đồng đều giữa cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập.

Quang cảnh hội thảo.
Ảnh: TTXVN phát

Ngày 8/4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045”.

Phát biểu tại hội thảo, nhấn mạnh vai trò quan trọng của bậc học Mầm non, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan tâm, đầu tư cho cấp học này. Nhờ đó, chất lượng giáo dục Mầm non ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã có những cải tiến và từng bước nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trên thực tế hiện nay, ở những vùng tưởng chừng rất thuận lợi như địa bàn đô thị, khu công nghiệp với sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc quá tải dân cư, sự phát triển nóng của đô thị, khu công nghiệp, điều kiện sinh hoạt, công việc của phụ huynh không giống nhau… đặt ra bài toán về cơ sở vật chất cần được đáp ứng. Về mặt vĩ mô cũng chưa có những quyết sách, chính sách thật sự phù hợp. Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi mong muốn, từ những kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai kế hoạch dạy và học thực tế, các cán bộ quản lý, chuyên gia, nhà khoa học sẽ đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại các địa bàn này.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu.
Ảnh: TTXVN phát

“Từ việc nhận thức rõ thực trạng, chúng ta mới đưa ra được giải pháp hiệu quả. Tất cả sự thay đổi về chính sách vĩ mô liên quan đến luật, thể chế, chế độ, quyết sách giáo dục nói chung sẽ được đưa vào có tính dự báo để Đề án này ban hành những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp không lạc lõng, không xa rời, nằm trong một hệ thống chung của Chính phủ, Bộ Chính trị và ngành Giáo dục”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng lưu ý việc xây dựng, thực hiện các cơ chế ưu đãi thuộc về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục Mầm non. Ngoài những chính sách chung cần phải có những chính sách mang tính đặc thù theo đúng bậc học, đúng địa bàn, đối tượng thụ hưởng. Các chính sách cần linh hoạt nhưng đảm bảo sự chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thực tế và có sự giám sát. Việc phát triển các mô hình cơ sở giáo dục Mầm non cần có trách nhiệm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong khu công nghiệp về vấn đề này.

Nêu khái quát về dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045”, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Hoàng Thị Dinh cho biết: Theo dự thảo, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% trẻ em trong cơ sở giáo dục Mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục Mầm non và phù hợp với điều kiện thực tiễn; phấn đấu 100% trẻ em từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi là con công nhân, người lao động ở địa bàn có khu công nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ giáo dục Mầm non bảo đảm chất lượng; phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên Mầm non và nhân viên ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp được tiếp cận tài liệu và được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên.

Dự thảo Đề án cũng đưa ra mục tiêu tăng thêm 20% trở lên cơ sở giáo dục Mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp có tổ chức nhóm trẻ, trong đó ít nhất tăng 10% số trường mầm non công lập tại địa bàn có khu công nghiệp có nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi; 100% cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo quy định.

Dự thảo định hướng mục tiêu đến năm 2045, củng cố và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp. Cùng với đó, nhân rộng các mô hình giáo dục mầm non chất lượng, hiệu quả, bảo đảm công bằng, phù hợp với đặc thù địa bàn đô thị, khu công nghiệp.

Ông Phạm Văn Sơn, Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ) chia sẻ tại hội thảo. 
Ảnh: TTXVN phát

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Văn Sơn, Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ) cho biết: Các đơn vị hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng hành với nhau trong quá trình thực hiện để Đề án sớm được hoàn thiện và ban hành. Nhận định đây là đề án được Chính phủ hết sức quan tâm, ông Phạm Văn Sơn lưu ý bám sát tình trạng thực tế để trong quá trình xây dựng Đề án phải đề ra được các giải pháp thực hiện, tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc.

Góp ý các nội dung của dự thảo Đề án, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa Nguyễn Văn Dĩnh cho rằng, việc xây dựng Đề án này là cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục Mầm non tại các địa bàn đặc thù, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người lao động, người có thu nhập thấp.

Trong năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa có 678 cơ sở giáo dục Mầm non, trong đó chỉ có 46 cơ sở Mầm non ngoài công lập. Tỉnh Thanh Hóa cũng đã có những chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập phát triển, trong đó có cơ chế về thuê đất, cấp quỹ đất phát triển giáo dục. Vì vậy, ở bài toán tổng thể, theo ông Nguyễn Văn Dĩnh, cần có cơ chế đặc thù để phát triển đồng đều giữa cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập./.


Việt Hà

Xem thêm