Giáo dục

Gấp rút ôn tập để học sinh thích ứng với điểm mới kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2025

Với nhiều điểm đổi mới trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp năm nay nên việc ôn luyện đòi hỏi sự tập trung cao độ của cả thầy và trò các nhà trường.

Các trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An ký cam kết thi đua đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025. 
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 (26-27/6), vì vậy, các trường Trung học Phổ thông trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút để ôn tập, củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh lớp 12 năm nay. Đặc biệt, các em là lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với nhiều điểm đổi mới trong cấu trúc đề thi nên việc ôn luyện đòi hỏi sự tập trung cao độ của cả thầy và trò các nhà trường.

*Dồn lực ôn tập kỹ năng làm bài

Bắt đầu từ năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ chỉ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn; có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Thầy Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Thời điểm này, học sinh nhà trường đã xác định tinh thần tập trung cao độ cho việc học tập, ôn luyện. Không khí thi đua học tập sẽ được duy trì đến ngày cuối cùng của năm học. Năm nay, trường có 12 lớp với 635 học sinh cuối cấp. Đây là lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 nên ban giám hiệu và các thầy cô đặc biệt quan tâm, hỗ trợ bằng nhiều giải pháp. Hiện, nhà trường duy trì nghiêm túc việc giảng dạy chương trình các môn học theo đúng quy định, tuyệt đối không cắt xén, dạy học lệch. Với giáo viên bộ môn, nhà trường yêu cầu bám sát phương án cấu trúc định dạng và đề thi minh họa Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để tổ chức ôn tập.

Điểm mới đáng chú ý trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 là đề thi môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, hạn chế tình trạng học tủ, học thuộc lòng. Vì vậy, giáo viên bộ môn đã phải điều chỉnh cách thức dạy học, kiểm tra, đánh giá và rèn cho học sinh khả năng đọc hiểu để thích ứng với dạng đề thi mới.

Cô Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, việc thay đổi này đòi hỏi giáo viên và học sinh phải điều chỉnh phương pháp ôn tập. Học sinh cần nắm vững kiến thức về thể loại và kiểu văn bản thay vì học thuộc lòng ngữ liệu văn bản có trong sách giáo khoa; tăng cường luyện tập đọc hiểu và viết với các văn bản ngoài sách giáo khoa để làm quen với dạng đề mới. Trên lớp, thầy cô giáo cũng cho học sinh tập nhận diện và phân tích các yếu tố thể loại, nội dung và nghệ thuật của ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Là một địa phương khu vực miền núi phía Bắc, với quan điểm "Tất cả vì học sinh thân yêu", "Không để học sinh nào ở lại phía sau", ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh học tập, tiếp cận các tài liệu tham khảo ở thư viện nhà trường, tra cứu học liệu, thông tin học tập qua mạng internet; phân công giáo viên hỗ trợ, hướng dẫn học sinh tự học ngoài giờ chính khóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, Sở đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên dạy lớp 12 về phương pháp, nội dung ôn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế; phân loại đối tượng học sinh theo năng lực học tập ngay từ đầu năm học và qua các đợt thi khảo sát để tổ chức dạy học, ôn tập phù hợp…

Giáo viên tập trung ôn tập cho học sinh lớp 12.
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN 

*Thi thử - khảo sát chất lượng thật

Tại Hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 được tổ chức mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặc biệt lưu ý với các địa phương về việc tổ chức thi thử đối với 100% học sinh, bên cạnh quá trình dạy học, ôn tập. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tinh thần tổ chức thi thử nhưng vận hành thật, đánh giá thật, làm bài thật và sử dụng kết quả thi thử để phân loại học sinh, trên cơ sở tiếp tục bổ sung kiến thức. Việc tập dượt cũng giúp cho giáo viên làm quen với phương thức tổ chức thi mới của năm nay.

Đến thời điểm này, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang lên kế hoạch tổ chức thi thử cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng dự kiến tổ chức thi thử tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 cho học sinh khối 12 cả 2 hệ Trung học Phổ thông và Giáo dục thường xuyên toàn thành phố vào ngày 18-19/4 tới. Mỗi học sinh đăng ký thi thử 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn.

Ông Phạm Tấn Ngọc Thụy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng chia sẻ: Kỳ thi thử là đợt để tập dượt cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường Trung học Phổ thông tuân thủ Quy chế thi, quy trình, kỹ thuật, tính bảo mật, điều kiện bảo đảm công tác tổ chức coi, chấm. Đồng thời, đây là đợt để học sinh tập dượt, làm quen với những đổi mới về chương trình, dạng thức câu hỏi. Từ đó, các em biết khả năng thực chất và những hạn chế trong kiến thức, kỹ năng làm bài để kịp thời khắc phục. Dù thi thử nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng vẫn quán triệt tinh thần tổ chức kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế. Sở thành lập các ban ra đề thi, sao in đề thi, ban chấm thi… Các môn thi trắc nghiệm được chấm tập trung, riêng môn Ngữ văn, Tiếng Pháp và Tiếng Nhật, các trường tự tổ chức chấm.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng vừa công bố kết quả kiểm tra khảo sát chất lượng lớp 12 toàn thành phố năm học 2024 - 2025, trong đó, tỷ lệ bài thi đạt điểm dưới trung bình (5 điểm) là 148.003 bài, chiếm gần 32% tổng số bài thi các môn. Toán là môn có điểm dưới trung bình cao nhất với 51,69%. Tỷ lệ điểm dưới trung bình ở môn Ngữ văn là 34,03%.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kết quả kiểm tra khảo sát chất lượng toàn thành phố năm 2025 thấp hơn so với năm 2024. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do có sự khác biệt giữa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 trong cấu trúc đề thi, nội dung thi, hình thức thi… Kết quả này cũng phản ánh tình hình còn khá nhiều học sinh Hà Nội cần được tăng cường hỗ trợ từ nay tới trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025. Số điểm thấp cũng cho thấy nguy cơ trượt tốt nghiệp Trung học Phổ thông của một bộ phận thí sinh Hà Nội còn cao. Do vậy, các nhà trường, giáo viên cần tiếp tục định hướng, sát sao với việc học và ôn tập của học sinh.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các địa phương, nhà trường tuyệt đối không được buông lỏng công tác bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh, nhất là học sinh có kết quả học tập chưa đạt. Với học sinh, Thứ trưởng lưu ý khi tham gia các kỳ khảo sát, thi thử tốt nghiệp Trung học Phổ thông cần làm bài nghiêm túc để kết quả phản ánh đúng năng lực. Từ đó, thầy cô, nhà trường có phương pháp bổ sung kiến thức cho các em một cách hiệu quả nhất, đủ tự tin, sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 đạt kết quả tốt nhất./.


Việt Hà

Xem thêm