Các nhà trường tuyệt đối không buông lỏng công tác bồi dưỡng, phụ đạo đối với học sinh.
Chiều 28/3, tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025 và đánh giá việc triển khai Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng đã thông tin, lưu ý về một số điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025.
Về đề thi, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, nội dung thi bám sát Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cấp Trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12. Trong đó, có 40% câu hỏi ở mức độ nhận biết, 30% mức độ thông hiểu và 30% mức độ vận dụng. Đề thi tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn, đặc biệt với những nội dung phân hóa nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh. Vì vậy, thầy cô cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, đây cũng là một trong 3 năng lực chung quan trọng được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhấn mạnh một điểm mới quan trọng liên quan đến xét tốt nghiệp Trung học phổ thông, ông Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ: Cách tính điểm xét tốt nghiệp chỉ còn chiếm 50% điểm thi tốt nghiệp, còn lại 50% điểm từ quá trình 3 năm học Trung học phổ thông. Thay đổi này phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với việc tập trung phát triển năng lực, phẩm chất người học và nhiều năng lực, phẩm chất của học sinh được phát triển trong quá trình học tập.
Về công tác tổ chức thi tốt nghiệp, một trong những vấn đề mà các địa phương lo lắng là quá trình sắp xếp phòng thi. Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng lưu ý, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 chỉ tổ chức 3 buổi thi và buổi thứ 3 sẽ thi cả 2 môn tự chọn. Để thuận lợi cho công tác tổ chức, thí sinh được sắp xếp ở một phòng thi duy nhất trong các buổi thi, không phải di chuyển. Việc thu bài sẽ theo phòng mà không cần phân loại theo môn. Giữ nguyên 24 thí sinh/phòng thi, 1 phòng thi có thể sắp xếp tối đa tới 5 môn. Để bảo đảm yếu tố an ninh, thay vì chỉ có 24 mã đề cho 24 học sinh/phòng thi như trước đây, kỳ thi năm nay nâng số mã đề lên thành 48 cho 2 khung thời gian của buổi thi thứ 3.
Kỳ thi năm nay sẽ tổ chức đồng thời cho học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (các em chưa tốt nghiệp hoặc thi để lấy điểm xét tuyển sinh đại học) và học sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để tránh sai sót, cần bố trí 1 số điểm thi riêng cho học sinh thi theo Chương trình 2006.
Ông Nguyễn Ngọc Hà cũng cho biết: Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức thi thử tốt nghiệp Trung học phổ thông. Việc tổ chức cần cố gắng giống với cách tổ chức kỳ thi chính thức, từ cấu trúc định dạng và mức độ đề thi, thời gian tổ chức thi, sắp xếp phòng thi… Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hỗ trợ phần mềm chấm thi, cử cán bộ, chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp các thắc mắc trong quy trình chấm bảo đảm đúng quy định của Quy chế thi.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ: Kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay đều thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Trong khi đó, do ảnh hưởng của việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm, các trường lâu nay vẫn dạy thêm, học thêm như hoạt động chính khóa nhưng có giai đoạn một số trường dừng hoạt động này để chờ hướng dẫn nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Tác động của bối cảnh tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính cũng khiến một số nhà trường và thầy cô giáo bị ảnh hưởng. Vì thế, ngành Giáo dục cần có các giải pháp để ứng phó với bối cảnh mới.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường cùng các thầy cô giáo tuyệt đối không để ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, công tác thi, công tác tuyển sinh; đảm bảo công tác quản lý, dạy học phải thường xuyên, liên lục, không gián đoạn. Đặc biệt, các nhà trường tuyệt đối không buông lỏng công tác bồi dưỡng, phụ đạo đối với học sinh.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi thử tốt nghiệp nhưng đánh giá thật, chấm đúng kết quả để biết năng lực học sinh ra sao, quy trình tổ chức thi như thế nào, để từ đó rút kinh nghiệm. Trong quỹ thời gian còn lại, các địa phương, nhà trường có sự chuẩn bị tốt nhất, đảm bảo tổ chức kỳ thi thuận lợi.
Thứ trưởng cũng lưu ý, công tác thi tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cần ra đề phù hợp theo cấu trúc đã công bố, theo chuẩn đầu ra của chương trình, phù hợp năng lực học sinh và mục tiêu của kỳ thi theo tinh thần giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, vừa sức với học sinh, để các em không phải học thêm tràn lan, giáo viên không dạy thêm tràn lan./.