Trung tá Trần Đình Hùng, Phó trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai cho biết, tỷ lệ học viên mù chữ tại cơ sở khá cao. Đơn vị xác định, việc dạy chữ là nội dung bắt buộc để các học viên có cơ hội nhận thức đúng và thay đổi.
Gần 4 tháng qua, một lớp học đặc biệt được duy trì đều đặn tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai. Đó là lớp xóa mù chữ dành cho những học viên đang điều trị cai nghiện ma túy. Lớp học vừa là nơi rèn chữ, học toán, vừa là điểm tựa trong hành trình tiếp sức cho người lầm lỡ tìm lại chính mình, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Ngày 28/2/2025, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 1334/QĐ-BCA về việc thành lập Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Gia Lai. Cơ sở này được tổ chức lại từ đơn vị cũ thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai (cũ). Bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2025, tập thể cán bộ, chiến sĩ nơi đây không khỏi trăn trở khi thấy nhiều học viên không biết chữ. Trong số 238 học viên đang điều trị, có tới 21 người mù chữ hoàn toàn, phần lớn là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Trung tá Trần Đình Hùng, Phó trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai cho biết, tỷ lệ học viên mù chữ tại cơ sở khá cao gây nhiều khó khăn trong việc giáo dục chính trị, pháp luật và kỹ năng sống. Chính vì vậy, tập thể đơn vị xác định, việc dạy chữ là nội dung bắt buộc để các học viên có cơ hội nhận thức đúng và thay đổi.
Từ quyết tâm đó, lớp xóa mù chữ được hình thành ngay tại cơ sở với giáo trình đơn giản, sát thực tế. Ngoài học đọc, học viết, các học viên còn được hướng dẫn các phép tính cơ bản. Lớp học hiện có 17/21 học viên là người dân tộc thiểu số, phần lớn chưa từng đến trường. Trong số đó, học viên H.V.N (sinh năm 1986, trú tại xã Ia Hrú, tỉnh Gia Lai) là điển hình.
Nghiện ma túy nhiều năm và chưa từng một lần đến trường, anh vừa được đưa vào điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh từ tháng 3/2025. Chia sẻ về hoàn cảnh của mình, anh H.V.N cho biết, do điều kiện gia đình khó khăn nên anh chưa từng được đến trường để học chữ. Vào cơ sở cai nghiện, được các cán bộ tận tình hướng dẫn, giờ anh biết đọc, biết viết và hiểu giá trị của việc học.
“Tôi chưa từng biết chữ, vào đây được tạo điều kiện học tập, mỗi ngày tôi nhận thấy bản thân thay đổi tích cực hơn và nhiều điều mới mẻ hơn qua việc học. Điều này rất có ích, sau này khi tôi hòa nhập với cộng đồng, đi làm cũng thuận lợi hơn”, anh H.V.N bộc bạch.
Giảng dạy chính cho các học viên là Thiếu tá Võ Thị Diễm Phúc. Không qua đào tạo sư phạm chính quy, chị cùng đồng đội phải tự mày mò cách giảng bài sao cho dễ hiểu, dễ nhớ. Thậm chí, nhiều buổi tối ngoài giờ làm việc, chị còn lên các kênh mạng xã hội để học hỏi phương pháp dạy chữ dành cho người trưởng thành.
“Chúng tôi cố gắng truyền tải kiến thức theo cách đơn giản, gần gũi nhất, giúp học viên tiếp thu dễ dàng và tiến bộ từng ngày”, Thiếu tá Võ Thị Diễm Phúc chia sẻ.
Không chỉ tổ chức lớp học ban ngày, buổi tối và các ngày nghỉ, cán bộ cơ sở cai nghiện còn kèm riêng cho từng học viên chậm tiến. Nhờ đó, đến nay, 100% học viên trong lớp đều đã biết đọc, biết viết và làm được các phép toán cơ bản.
Theo lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai, việc xóa mù chữ chỉ là bước khởi đầu trong hành trình đồng hành cùng học viên. Đơn vị đang lên kế hoạch phối hợp với các cơ sở giáo dục để triển khai chương trình phổ cập trình độ tiểu học, giúp học viên nắm chắc kiến thức căn bản, từng bước thay đổi nhận thức, định hướng tương lai.
Phó trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai, Trung tá Trần Đình Hùng cho rằng, khi học viên biết chữ, họ mới có khả năng nhận thức rõ ràng, hiểu đúng, nghĩ đúng. Từ đó, họ mới có cơ hội sửa chữa lỗi lầm và từng bước hòa nhập xã hội.
Sau hơn 2 tháng miệt mài, những thành quả đầu tiên của lớp học đã được ghi nhận. Học viên H.V.N đã có thể tự tay viết một bức thư đầu tiên gửi về cho cha mẹ. Tuy dòng chữ còn nguệch ngoạc nhưng chứa đựng niềm xúc động và sự thức tỉnh: “Con chào bố mẹ. Con biết chữ rồi bố mẹ ạ. Con xin lỗi vì đã làm khổ bố mẹ. Con sẽ cố gắng cai nghiện tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội”.
Một bức thư, một tia hy vọng. Trong cánh cổng khép kín của cơ sở cai nghiện, lớp học xóa mù chữ lặng lẽ mở ra một lối đi mới - lối đi từ nhận thức đến hoàn lương./.
- Từ khóa:
- Lớp học đặc biệt
- người lầm lỡ
- cai nghiện