Tại Bắc Ninh, phong trào đọc sách luôn được chú trọng bằng việc xây dựng hệ thống tủ sách từ gia đình, cộng đồng, nhà trường, huyện, tỉnh. Qua đó góp phần phát triển phong trào khuyến đọc, khuyến học.
Đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người. Sách luôn được coi là công cụ tích lũy, lưu giữ lịch sử, truyền bá kinh nghiệm sống, tri thức, tinh hoa văn hóa của nhân loại, của các thời đại, qua nhiều thời kỳ. Tại Bắc Ninh, phong trào đọc sách luôn được chú trọng bằng việc xây dựng hệ thống tủ sách từ gia đình, cộng đồng, nhà trường, huyện, tỉnh. Qua đó góp phần phát triển phong trào khuyến đọc, khuyến học.
Tự hào là ngôi trường khởi nguồn của phong trào "Nghìn việc tốt", những năm qua, Trường Trung học cơ sở Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã lan tỏa mạnh mẽ phong trào đọc sách trong nhà trường, góp phần khuyến khích học sinh tự học và rèn luyện.
Theo cô Ngô Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sởTam Sơn, trong quá trình giảng, dạy nhận thấy nhiều học sinh còn gặp khó khăn khi học tập, đặc biệt là việc tự học; phát huy phong trào đọc và học theo sách báo của nhà trường nhiều năm nay, cô đã mạnh dạn triển khai mô hình "Tủ sách văn hóa đọc". Đây là giải pháp giáo dục sáng tạo, nhằm phát triển năng lực tự học của học sinh, đồng thời khuyến khích tinh thần yêu thích đọc sách và học hỏi chủ động. Giải pháp này không chỉ tạo ra môi trường học tập phong phú, mà còn giúp học sinh hình thành thói quen tự học, phát triển kỹ năng tìm kiếm và khai thác thông tin độc lập.
Do diện tích thư viện nhà trường nhỏ, hẹp với khoảng 30m2, không chứa được nhiều sách, cô đã triển khai xây dựng mỗi lớp 1 “Tủ sách nghìn việc tốt”, mỗi tủ thường xuyên duy trì 60 đầu sách. Các loại sách được trang bị rất phong phú, đa dạng ở các lĩnh vực, phù hợp với các độ tuổi học sinh khối 6,7,8,9. Định kỳ 1-2 tháng cô đề xuất luân chuyển sách giữa các lớp để các con có thể đọc được nhiều sách.
Để khuyến khích các con tự đọc, tự học, tạo hứng thú trong học tập, nhà trường tuyên dương trước cờ và có hình thức khen thưởng những bạn đọc nhiều sách, có biện pháp nhắc nhở những bạn chưa tích cực đọc. Mô hình "Tủ sách văn hóa đọc" không chỉ giúp học sinh tiếp cận nguồn tài liệu phong phú, mà còn là công cụ quan trọng để phát triển năng lực tự học của các em. Các em có thể nâng cao khả năng tìm kiếm và khai thác thông tin; phát triển tư duy phản biện và sáng tạo. Nhờ vậy những năm gần đây, phong trào dạy và học trong nhà trường ngày càng phát triển, kết quả năm học sau cao hơn năm học trước.
Em Nguyễn Tiến Đoàn, lớp 8A, Trường Trung học cơ sở Tam Sơn chia sẻ: Mỗi tuần em thường mượn 2 cuốn sách từ tủ sách của lớp để về đọc. Các sách chủ yếu về lịch sử, danh nhân, khoa học. Ngày nào em cũng bố trí thời gian học hợp lý để có thêm 1-2 giờ đồng hồ đọc sách vào buổi tối. Từ đó, dần dần giúp em hình thành thói quen, tạo hứng thú hơn trong học tập, tự nghiên cứu, khai thác, xử lý những tình huống ở các môn học khác nhau cũng như trong đời sống hằng ngày.
Cùng với phong trào đọc sách báo trong nhà trường, tại các khu dân cư, việc xây dựng thư viện các khu phố đang được tích cực triển khai, thu hút đông đảo nhân dân, học sinh địa phương.
Tận dụng không gian nhà văn hóa khu phố Mao Dộc, phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ, tháng 3/2025, Hội Cựu giáo chức phường Phượng Mao phối hợp với các đoàn thể khu phố Mao Dộc xây dựng thư viện thân thiện. Nơi đây dần trở thành một địa điểm đọc sách bổ ích, thú vị sau những giờ lên lớp của các em học sinh và các độc giả có nhu cầu.
Thư viện được đặt trong không gian nhà văn hóa khu phố Mao Dộc với hơn 1.800 đầu sách, tạp chí với đa dạng thể loại như: Lịch sử Đảng, Bác Hồ, sách thiếu nhi, sách giáo khoa, văn hóa - nghệ thuật, pháp luật, kinh tế, báo, tạp chí… tất cả đều được sắp xếp ngăn nắp, bố trí khoa học, dễ tìm kiếm. Bạn đọc đến đây có đủ mọi thành phần lứa tuổi, nhưng nhiều nhất vẫn là học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Ngoài thời gian mở cửa phục vụ nhu cầu đọc sách cố định hàng ngày buổi sáng từ 7 giờ 15 phút đến 10 giờ 30 phút, buổi chiều từ 14 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút, thư viện còn cho độc giả mượn sách về nhà nếu có nhu cầu. Công việc “thủ thư” mỗi ngày được chia đều cho các hội viên Hội Cựu giáo chức phường Phượng Mao.
Em Nguyễn Đình Bảo Long, học sinh lớp 6A3, Trường Trung học cơ sở Phượng Mao, một độc giả thường xuyên của thư viện, chia sẻ: Em thường xuyên đến thư viện đọc sách. Em thường đọc các loại truyện tranh, sách lịch sử. Tại đây em được các bác nhiệt tình hướng dẫn, lựa chọn những cuốn sách ý nghĩa và phù hợp.
Cô Nguyễn Thị Cạnh, một trong những người tiên phong trong việc lên ý tưởng và hiện thực xây thư viện cho biết: Xuất phát từ niềm đam mê đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới đông đảo bạn trẻ để mọi người biết trân quý sách, cô đã xây dựng ý tưởng và vận động cán bộ, hội viên cựu giáo chức phường cùng tham gia thành lập thư viện; đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ, giúp đỡ sách và các công cụ khác giúp đỡ các em trong việc học tập, giúp độc giả có nhu cầu nghiên cứu về sách. Qua đó, giúp các em nhỏ và cộng đồng hình thành thói quen đọc sách, các em có cơ hội được tiếp thu được nhiều kiến thức mới.
Bên cạnh đó, để khuyến khích phong trào đọc sách, thu hút độc giả đến với thư viện, các “thủ thư” tạo không gian đọc sách thân thiện, kết hợp với tổ chức các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, cờ vua, cờ tướng, cá ngựa. Từ đó, mô hình bắt đầu phát huy hiệu quả. Thời gian đầu, trung bình mỗi ngày thư viện đón từ 15 đến 17 lượt độc giả thì hiện nay đón khoảng 30 độc giả đến đọc và tìm hiểu về các loại sách.
Có thể nói, những thư viện gia đình, cộng đồng, trường học tại Bắc Ninh trong thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ, phát huy hiệu quả phong trào tự đọc, tự học trong cộng đồng. Chính những việc làm tưởng chừng nhỏ bé ấy lại góp phần từng ngày thay đổi thói quen học tập, đưa đến phương pháp học mới, tự học, tự nghiên cứu trong giới trẻ./.