Để phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong đời sống đô thị, cần đưa các di sản vào hoạt động cộng đồng đô thị, tích hợp vào du lịch, truyền thông đa phương tiện...
Ngày 24/5, Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Văn hóa dân gian trong đời sống đô thị ở Đà Nẵng", nhằm nhận diện, đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển dân gian trong đời sống hiện đại của đô thị Đà Nẵng.
Trong bối cảnh đô thị hóa và toàn cầu hóa, những giá trị truyền thống, đặc biệt là văn hóa dân gian đứng trước nguy cơ mai một, biến đổi; đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới để tái sinh, phát huy.
Tại hội thảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thảo luận, trao đổi một số nội dung trọng tâm như: Phát huy nguồn lực văn hóa dân gian trong phát triển kinh tế; văn hóa dân gian miền biển Đà Nẵng trong xu thế đô thị hóa và toàn cầu hóa; hô bài chòi trong đời sống đương đại tại Đà Nẵng; giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong đời sống đô thị ở thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất tỉnh Quảng Nam...
Các đại biểu cho rằng, sự phát triển của đô thị là tất yếu nhưng cũng là cơ hội để nuôi dưỡng, làm sống lại những giá trị truyền thống dân gian. Trong đó, việc khai thác không gian công cộng (công viên, sân đình, các di tích lịch sử) để tổ chức lễ hội, trình diễn nghệ thuật dân gian là một trong những giải pháp mang tính khả thi.
Đặc biệt, các ý kiến cũng nhấn mạnh các giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong đời sống đô thị, trong đó, đưa các di sản đó vào hoạt động cộng đồng đô thị, hoặc tích hợp vào du lịch, truyền thông đa phương tiện, trường học để giáo dục và truyền cảm hứng cho giới trẻ...
Thạc sĩ, nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng là một thành phố trẻ năng động, đang phát triển nhanh chóng, với vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có rất nhiều di sản văn hóa dân gian góp phần tạo nên bản sắc, con người nơi đây.
Theo nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, với lịch sử là vùng đất giao thoa văn hóa Việt – Chăm, Đà Nẵng sở hữu nhiều lớp trầm tích văn hóa dân gian đa dạng, từ tín ngưỡng dân gian, lễ hội làng, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật tuồng, bài chòi, dân ca Quảng, đến phong tục cưới hỏi, ma chay, ăn tết, giỗ kỵ và cả các hình thức ẩm thực, trò chơi dân gian...
Tuy nhiên, trong vòng vài thập niên gần đây, đặc biệt từ khi trở thành đô thị loại 1 và thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu dân cư, không gian văn hóa, lối sống, thị hiếu. Điều này dẫn đến những biến đổi không nhỏ của các loại hình văn hóa dân gian.
Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian trong đời sống đô thị Đà Nẵng hiện nay, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cho rằng thành phố cần xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa dân gian như những công trình sưu tầm - số hóa - nghiên cứu hệ thống các loại hình văn hóa dân gian còn tồn tại ở các quận, huyện để làm nền tảng cho các chính sách bảo tồn. Cùng đó, đưa các giá trị văn hóa dân gian vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học một cách linh hoạt, qua các môn học tích hợp, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo; tổ chức các không gian văn hóa cộng đồng như: Tái lập các không gian như sân đình, bến nước, chợ quê, nhà cổ… trong các khu đô thị mới để gắn kết cộng đồng và tái hiện văn hóa dân gian trong môi trường đô thị hóa; thúc đẩy nghệ nhân và cộng đồng dân cư tham gia chủ động vào quá trình bảo tồn. Ngoài ra, thành phố cũng cần khai thác các giá trị văn hóa dân gian như một nguồn lực cho công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa, nhưng phải đảm bảo tính nguyên bản, tránh làm mất hồn cốt di sản.../.