Du lịch

Tăng trải nghiệm để "đánh thức" tiềm năng du lịch di sản phố cổ Hà Nội

Hà Nội

Sở hữu vị trí đắc địa và những nét kiến trúc đặc sắc, nhiều điểm di sản tại khu vực phố Hà Nội cần có thêm dịch vụ trải nghiệm để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây (Hà Nội) được xây dựng theo lối kiến trúc nhà ống truyền thống Hà Nội đầu thế kỷ XX. 
Ảnh: Ngọc Bích – TTXVN

Nằm giữa những con phố chật hẹp, tấp nập của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây và Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật 22 Hàng Buồm là hai điểm đến độc đáo, giàu giá trị lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, dù sở hữu vị trí đắc địa và kiến trúc đặc sắc, hai "viên ngọc văn hóa" này vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Dịch vụ còn đơn điệu, thiếu trải nghiệm tương tác, công tác quảng bá kém hấp dẫn… đang khiến những điểm đến này chưa đủ sức níu chân du khách.

"Đánh thức" tiềm năng những điểm du lịch di sản tại phố cổ Hà Nội

Điểm đến độc đáo giữa lòng phố cổ Hà Nội

Chỉ cách bến xe điện Bờ Hồ khoảng 10 phút đi bộ, Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây là một trong số ít công trình còn giữ được kiến trúc nhà ống truyền thống Hà Nội đầu thế kỷ XX. Được công nhận là di tích quốc gia từ năm 2004, ngôi nhà có mặt tiền rộng 5m, chiều dài 28m với tổng diện tích hơn 157m² được ví như một "bảo tàng sống" về kiến trúc và nếp sinh hoạt xưa. Đây là điểm đến hấp dẫn, độc đáo để du khách trong và ngoài nước tìm hiểu về văn hóa Hà Nội.

Không gian bếp xưa trong Nhà Di sản 87 Mã Mây được phân tách với các gian bằng khoảng sân là các giếng trời tự nhiên, đảm bảo sự thông thoáng cho ngôi nhà. 
Ảnh: Ngọc Bích – TTXVN

Cách đó không xa, Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hội quán Quảng Đông) tọa lạc trên khuôn viên rộng đến 1.800m², mang kiến trúc giao thoa giữa Việt – Hoa – Pháp. Nơi đây thường được chọn là điểm tổ chức các hoạt động nghệ thuật dân gian, như: ca trù, hát xẩm, trưng bày mỹ thuật đương đại. Không gian rộng rãi, kiến trúc độc đáo, thường xuyên được trưng bày theo nhiều chủ đề đã khiến nơi đây là điểm đến để du khách khám phá văn hóa truyền thống và chụp ảnh “check-in”.

Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật (Hội quán Quảng Đông) tọa lạc trên khuôn viên rộng đến 1.800m² tại địa chỉ số 22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 
Ảnh: Ngọc Bích – TTXVN

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam vô cùng bất ngờ khi tham quan 2 điểm Nhà Di sản 87 Mã Mây và Hội quán Quảng Đông. Căn nhà cổ là kiến trúc đặc trưng của kiểu nhà ống đặc trưng, dài và hẹp. Các gian nhà được phân cách khoảng thông tự nhiên được bố trí là sân trong và giếng trời giúp lấy sáng và thông gió. Nội thất chủ yếu bằng gỗ, hoa văn chạm khắc tinh xảo được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Theo ông Tuyên, dù giữ được nhiều nét nguyên bản trong trưng bày, tuy nhiên, khi đến đây, du khách ngoài ngắm nghía, chụp ảnh, mua vài đồ được bầy bán lại không còn hoạt động gì để tương tác và lưu lại ấn tượng.

Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây (Hà Nội) được bảo tồn gần như nguyên vẹn, trở thành một “bảo tàng sống” thu hút khách du lịch. 
Ảnh: Ngọc Bích – TTXVN

Anh Viktor Bernat (du khách người Ba Lan) cho biết, kiến trúc, bài trí trong ngôi nhà 87 Mã Mây vô cùng đặc biệt và rất đáng để ghé qua. Đây chắc chắn là điểm đến hấp dẫn với du khách châu Âu. Tuy nhiên, nhiều du khách đến phố cổ chỉ vô tình đi ngang qua mà không hề biết đây là một điểm đến du lịch để tìm hiểu về lối sống ngày xưa của người Hà Nội. Trao đổi về những điểm khiến du khách còn ít chú ý đến ngôi nhà cổ này, anh Viktor đề cập đến các điểm bất cập như: Biển hiệu nhỏ, ít nổi bật, không có nhân viên tại cửa để chào mời, hướng dẫn. Bên trong nhà, dù có mã quét QR để giới thiệu tổng quan về căn nhà nhưng không sinh động, hấp dẫn. Điểm đáng tiếc nữa là không có người hướng dẫn tại điểm để chia sẻ thêm thông tin cho du khách, không có mô phỏng cuộc sống của người Hà Nội.

Tăng trải nghiệm thu hút du khách

Để biến Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây và Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật 22 Hàng Buồm trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn trong mắt du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, việc đầu tư nâng cấp trải nghiệm là yếu tố tiên quyết. Chỉ khi hài lòng với trải nghiệm dịch vụ, du khách mới sẵn lòng giới thiệu, quảng bá về điểm đến và quay lại khi có cơ hội.

Nội thất bên trong Nhà Di sản 87 Mã Mây chủ yếu bằng gỗ, hoa văn chạm khắc tinh xảo được bảo tồn gần như nguyên vẹn. 
Ảnh: Ngọc Bích – TTXVN

Hiện trên ứng dụng Google Maps, hình ảnh giới thiệu về hai di tích còn ít, không có đánh giá, phản hồi của khách tham quan. Trong khi du khách, đặc biệt là khách quốc tế thường quyết định chọn điểm đến dựa trên đánh giá trải nghiệm, hai điểm đến này là quá mới, ít đánh giá nên chưa thu hút được du khách. Ngoài việc đầu tư quảng bá bài bản hơn, đơn vị quản lý cần tăng cường giới thiệu điểm đến trên các nền tảng số, tích hợp bản đồ du lịch. Có thể sử dụng hướng dẫn viên ảo hoặc các video trải nghiệm đa ngôn ngữ để giúp du khách dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, các điểm chỉ dẫn, biển hiệu cần được thiết kế hài hòa với kiến trúc phố cổ nhưng để du khách dễ nhận diện điểm du lịch.

Nhà Di sản 87 Mã Mây có 2 tầng, có mặt tiền rộng 5m, chiều dài 28m với tổng diện tích hơn 157m². 
Ảnh: Ngọc Bích – TTXVN

Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho rằng để thu hút được du khách, tăng điểm chạm tới cảm xúc, các điểm di sản cần đầu tư thêm vào các hoạt động tương tác tại chỗ. Tại Nhà Di sản 87 Mã Mây, có thể tổ chức các buổi trình diễn mô phỏng cuộc sống của người Hà Nội xưa: Như tái hiện lại bữa cơm sinh hoạt của người Hà Nội, mô phỏng nếp sinh hoạt thường ngày, hoạt động buôn bán trong nhà. Những dịp đặc biệt, có thể trình diễn các hoạt động gói bánh chưng, pha trà, viết thư pháp... hướng dẫn làm đồ thủ công truyền thống, như: con giống tò he, đèn lồng, đồ mây tre đan... Những trải nghiệm thử làm người Hà Nội xưa sẽ tạo điểm nhấn đáng nhớ, giữ chân du khách lâu hơn. Khách nước ngoài sẵn sàng trả phí để được tham gia trải nghiệm, thử làm đồ thủ công, mỹ nghệ… Để thực hiện điều này, các điểm đến cần kết hợp với các nghệ nhân để một mặt tăng hoạt động tương tác, kéo dài thời gian trải nghiệm cho du khách, một mặt giúp tăng cường quảng bá về văn hóa, lịch sử, làng nghề, phố nghề Hà Nội.

Khu vực mua vé vào cửa bên trong Nhà Di sản 87 Mã Mây. 
Ảnh: Ngọc Bích – TTXVN

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội đề xuất, tại các điểm di sản cần có đội ngũ hướng dẫn viên hoặc cộng tác viên du lịch tại điểm. Họ không chỉ đóng vai trò giải thích, kể chuyện, còn là người kết nối cảm xúc giữa di sản và du khách. Hướng dẫn viên có thể hóa trang thành cư dân phố cổ xưa, kể lại những câu chuyện đời sống, buôn bán, sinh hoạt – biến chuyến tham quan thành một hành trình sống động hơn.

Tại Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, có thể tận dụng không gian rộng lớn để tổ chức chợ văn hóa cuối tuần, các buổi giao lưu nghệ thuật truyền thống và đương đại, tọa đàm với nghệ nhân, trình diễn nghề thủ công, trình diễn áo dài... Đồng thời, kết nối với các tour du lịch phố cổ, tour xe điện, ẩm thực đêm... để tạo thành chuỗi trải nghiệm đa chiều cho du khách.

Trải nghiệm, tìm hiểu về nghề thủ công trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật (Hội quán Quảng Đông) thu hút sự quan tâm của du khách. 
Ảnh: Ngọc Bích – TTXVN

Trên địa bàn phố cổ Hà Nội có khoảng 120 di tích di tích văn hóa, lịch sử với nhiều điểm tiêu biểu như: Đền Bạch Mã, Nhà Di sản 87 phố Mã Mây, đình Kim Ngân, đền Bạch Mã, các nhà thờ Tổ nghề... Nơi đây còn nổi tiếng với các phố nghề truyền thống như phố Hàng Bạc với nghề chế tác, buôn bán kim hoàn; phố Hàng Mã với nghề hàng mã; phố Lãn Ông với nghề chế biến thuốc đông nam dược... Đặc biệt, khu vực phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Cầu Gỗ, Tống Duy Tâm... là nơi quy tụ nhiều nhà hàng ẩm thực phong phú, hấp dẫn.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn, để tăng sức hút cho du lịch, thời gian qua, quận đã tổ chức nhiều điểm biểu diễn nghệ thuật buổi tối tại khu vực phố cổ Hà Nội như: không gian nghệ thuật tại Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm; chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” tại Trung tâm Giao lưu phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ)… Để phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách, quận Hoàn Kiếm cũng đã phục hồi nhiều lễ hội truyền thống, tổ chức giới thiệu các nghề thủ công của các làng nghề phố cổ và Hà Nội.

Trưng bày bên trong Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật (22 Hàng Buồn) theo nhiều chủ đề, được thay đổi để thu hút du khách đến tìm hiểu văn hóa và chụp ảnh check-in. 
Ảnh: Ngọc Bích – TTXVN

Với việc triển khai nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phố cổ Hoàn Kiếm là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Thủ đô của du khách. Trung bình, mỗi ngày cuối tuần tại không gian phố đi bộ khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm đón khoảng 20.000 lượt khách đến vui chơi giải trí. Riêng năm 2024, số khách du lịch quốc tế lưu trú qua đêm tại quận Hoàn Kiếm đạt 2,2 triệu lượt, doanh thu du lịch tăng 48,5%. UBND quận Hoàn Kiếm đã có các kế hoạch, đề án bảo tồn phát huy giá trị phố cổ. Thời gian tới, quận sẽ phối hợp với các sở, ngành tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch qua đó bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của khu phố cổ, đồng thời tăng sức hút du lịch phố cổ tới du khách - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn chia sẻ.

Du khách tìm hiểu về tò he trong Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật (22 Hàng Buồn). 
Ảnh: Ngọc Bích – TTXVN

Việc đầu tư nâng cấp trải nghiệm cho du khách tại các điểm di sản giữa lòng phố cổ Hà Nội là "chìa khóa" để phát triển những điểm đến du lịch. Những ngôi nhà cổ, hội quán xưa không chỉ là nơi để chiêm ngưỡng, mà cần trở thành không gian tương tác sống động – nơi du khách được cảm nhận, được chạm và được sống trong không khí Hà Nội xưa. Khi đó, những giá trị di sản không chỉ được gìn giữ mà còn được thổi hồn, lan tỏa mạnh mẽ, thu hút du khách quay lại và kể tiếp câu chuyện về phố cổ bằng trải nghiệm của chính mình./.

Ngọc Bích

Xem thêm