Để du lịch Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, ngành Du lịch cần có những đột phá trong tư duy, cách làm và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).
Sáng 16/5, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Hiệp hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo Chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết nối hệ sinh thái du lịch. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và hơn 130 chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp công nghệ và du lịch trong và ngoài tỉnh.
Thời gian qua, ngành Du lịch Bình Thuận đã có bước phát triển khá toàn diện, từng bước khẳng định là ngành kinh tế trọng điểm. Năm 2024 đón 9,68 triệu lượt khách, doanh thu hoạt động du lịch 25.530 tỷ đồng. Riêng trong dịp lễ 30/4 -1/5 năm nay, du lịch Bình Thuận ước đón 228.000 lượt khách, công suất phòng lưu trú vào các ngày cao điểm bình quân khoảng 75- 95%, doanh thu ước đạt 450 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, Bình Thuận đón 3,57 triệu lượt khách, doanh thu du lịch từ hoạt động du lịch đạt hơn 9.685 tỷ đồng, đều tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết: Tỉnh đã có nhiều cố gắng trong xây dựng bản đồ số, hệ thống thông tin du lịch thông minh, ứng dụng QR code, thanh toán không tiền mặt... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn thiếu thông tin, thiếu kỹ năng, nhân lực công nghệ; đây là khoảng trống cần được lấp đầy. Để du lịch Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, ngành Du lịch cần có những đột phá trong tư duy, cách làm và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung chính xoay quanh vấn đề: Đánh giá thực trạng ứng dụng chuyển đổi số và AI trong ngành Du lịch; nhận diện cơ hội, thách thức và rào cản trong tiến trình chuyển đổi số; chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương trong và ngoài nước; giải pháp công nghệ, chính sách hỗ trợ, cơ chế hợp tác liên ngành. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái du lịch Bình Thuận.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, thực tế cho thấy việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin và lên kế hoạch cho chuyến đi; tiết kiệm thời gian và chi phí đặt dịch vụ; trải nghiệm du lịch cá nhân hóa và tiện lợi hơn; tiếp cận thông tin đa dạng và hấp dẫn về điểm đến. Bên cạnh đó, còn giúp doanh nghiệp du lịch mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng tiềm năng; tối ưu hóa quy trình quản lý và vận hành; nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng; thu thập và phân tích dữ liệu để đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả….
Tỉnh Bình Thuận đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, chương trình hành động cụ thể, nhằm từng bước chuyển dịch ngành Du lịch sang môi trường số, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh - nơi mà mỗi điểm đến, mỗi sản phẩm, dịch vụ đều được số hóa, kết nối, tối ưu hóa trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước. Song hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra như: hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, nhiều khu vực còn thiếu kết nối Internet ổn định; thiếu nhân lực chất lượng cao; kinh phí số hóa còn hạn chế…
Ông Nguyễn Lê Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để du lịch Bình Thuận sớm bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, tỉnh đã sớm đưa ra một số định hướng và giải pháp chủ yếu như: xây dựng các đề án chuyên biệt về chuyển đổi số ngành Du lịch; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông tại các khu, điểm du lịch; tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng các công nghệ tiên tiến...
Còn theo Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn, việc ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch Bình Thuận sẽ mang lại nhiều lợi ích về thúc đẩy sản xuất; tăng tính trải nghiệm của khách hàng; quản lý dữ liệu hiệu quả, liên kết hệ sinh thái; tối ưu hóa hoạt động vận hành; tăng tính cạnh tranh; tăng cường tiếp thị và quảng bá; cơ quan chức năng chủ động hoạch định chính sách.../.
- Từ khóa:
- Bình Thuận
- “Chìa khóa”
- hệ sinh thái du lịch