Ngành Du lịch Bình Thuận đẩy mạnh triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông, thu hút khách du lịch và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận, chia sẻ thông tin về du lịch địa phương, ngành Du lịch Bình Thuận đẩy mạnh triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông, thu hút khách du lịch. Cách làm này bước đầu mang lại hiệu quả, từng bước góp phần phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ngành Du lịch Bình Thuận đã xây dựng hệ thống thông tin số du lịch Bình Thuận, vừa phục vụ quản lý nhà nước, kiểm tra giám sát hoạt động du lịch, vừa quảng bá, xúc tiến và hỗ trợ khách du lịch. Đặc biệt, ngành đã vận hành và khai thác Cổng thông tin du lịch thông minh với tên miền “muinevietnam.vn”; website du lịch Bình Thuận và các trang mạng xã hội…
Bình Thuận hiện có trên 65 điểm tham quan, du lịch; 11 điểm giải trí và trên 530 đơn vị, doanh nghiệp gồm các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm trên địa bàn tỉnh tham gia cập nhật dữ liệu cho cổng thông tin du lịch thông minh Bình Thuận. Bên cạnh đó, Cổng thông tin du lịch thông minh đã nâng cấp các tính năng mới như: tham quan 11 điểm du lịch bằng VR360; xây dựng chuyên mục cẩm nang du lịch Bình Thuận; tạo 10 tour tham quan mẫu cho du khách tham khảo… Ngoài ra, các fanpage, tài khoản mạng xã hội như: “Mũi Né Việt Nam”, “Binh Thuan tourism”, “Mui Ne Viet Nam”… cũng mang lại hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.
Đến tháng 4/2024, Bình Thuận đã triển khai lắp đặt 21 bộ mã QR (mã phản hồi nhanh) tại các điểm tham quan, du lịch nổi tiếng trên địa bàn như: Đồi Cát Bay, Khu di tích Dục Thanh, Thanh Minh Tự…
Khu di tích Dục Thanh là một điểm đến đã được số hóa dữ liệu du lịch. Tại đây, khách du lịch chỉ cần dùng điện thoại hoặc các thiết bị thông minh quét mã QR sẽ được chỉ dẫn đến đường link website chính thống của ngành Du lịch tỉnh và tất cả nội dung thông tin, hình ảnh và video clip giới thiệu về khu di tích này.
Du khách Nguyễn Thị Phương Trinh cho biết, vì đi du lịch tự phát, muốn được tự do trải nghiệm, khám phá nên nhóm bạn không đăng ký thuyết minh viên. Nhờ mã QR code có đầy đủ thông tin, giới thiệu điểm di tích này thuận lợi, giúp nhóm tham quan theo trình tự, tìm hiểu nhiều thông tin bổ ích về Khu di tích Dục Thanh cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận, việc từng bước thay đổi cách giới thiệu, xúc tiến, trong đó chú trọng công tác quảng bá điểm đến trên nền tảng số đang ngày càng khẳng định tính ưu việt, đáp ứng kịp thời nhu cầu, thị hiếu, tăng cường trải nghiệm cho du khách. Đồng thời góp phần cải thiện môi trường du lịch, thúc đẩy ngành phát triển.
Đến nay Cổng thông tin du lịch thông minh đã có hơn 10,5 triệu lượt người truy cập và hơn 1 triệu lượt người tương tác trên mạng xã hội. Số lượt du khách đến thăm quan, du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt gần 3 triệu lượt khách (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 7.888 tỷ đồng.
Năm 2024, Bình Thuận đặt ra mục tiêu đón trên 9,5 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế là 320.000 lượt) với tổng doanh thu hơn 25.000 tỷ đồng. Để phát triển du lịch thông minh theo hướng bền vững trong thời gian tới, ngành Du lịch Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh nâng cấp, phát triển Cổng thông tin du lịch Bình Thuận, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án xây dựng dữ liệu cho Bản đồ số VR 360 độ tại Bình Thuận…
Ngành Du lịch Bình Thuận tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn chỉnh dữ liệu số du lịch để tích hợp với hệ thống dữ liệu số du lịch của tỉnh và của ngành du lịch Việt Nam./.
- Từ khóa:
- Bình Thuận
- dữ liệu số
- du lịch
- hệ sinh thái du lịch