Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long “giải nhiệt” mùa hè bằng nhiều điểm đến đặc sắc
Điểm nổi bật của nhiều sản phẩm du lịch ở các địa phương ĐBSCL là du lịch tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng gắn với hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển, đảo ... thể hiện định hướng phát triển xanh, thân thiện môi trường.
Với ưu điểm cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ, hệ sinh thái đa dạng, nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với văn hóa sông nước, miệt vườn, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những điểm đến thu hút du khách trong mùa Hè - mùa cao điểm của du lịch nội địa.
*Du lịch xanh thành xu hướng chủ đạo
Điểm nổi bật của nhiều sản phẩm du lịch ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long là du lịch tham quan, trải nghiệm, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng gắn với hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển, đảo, di tích cùng các giá trị văn hóa, thể hiện định hướng phát triển xanh, thân thiện môi trường.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ Đào Thị Thanh Thúy, với trên 70 điểm, khu du lịch, trong đó có nhiều khu du lịch sinh thái, điểm tham quan nhà vườn, Cần Thơ là lựa chọn của nhiều du khách. Đặc biệt, mùa Hè cũng là mùa trái chín ở nhiều nhà vườn trồng chôm chôm, măng cụt, dâu Hạ Châu, vú sữa… nên du khách có cơ hội tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp và thưởng thức trái cây miệt vườn rất thú vị.
Mở đầu mùa du lịch Hè, ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, doanh thu từ hoạt động du lịch của Cần Thơ tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024, công suất phòng lưu trú trong dịp nghỉ lễ tại nhiều cơ sở đạt tới 85- 90%, hứa hẹn du lịch Cần Thơ tiếp tục thu hút du khách.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng Du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, Cần Thơ) thông tin, là sản phẩm OCOP đầu tiên ở nhóm sản phẩm du lịch của Cần Thơ được gắn sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), Làng Du lịch Mỹ Khánh với hơn 30 ha có nhiều không gian, sản phẩm du lịch đặc sắc. Đó là không gian xanh với những vườn trồng cây ăn trái theo mùa, ao cá, nhà cổ Nam Bộ, kênh rạch, khu thưởng thức ẩm thực, tổ chức các trò chơi dân gian, giúp du khách có nhiều trải nghiệm đa dạng đậm chất miền Tây Nam Bộ.
Với xứ sở dừa xanh Bến Tre, trong mùa du lịch Hè năm nay, các sản phẩm du lịch sinh thái, tham quan di tích, làng nghề tiếp tục là những sản phẩm chủ lực giới thiệu đến du khách. Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, tỉnh hiện có trên 50 khu, điểm tham quan du lịch nổi bật, nhiều cơ sở lưu trú chất lượng, đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi, trải nghiệm không gian xanh mát cù lao, miệt vườn hoặc sông nước mênh mang.
Bà Đoàn Thị Mỹ Nhu, Giám đốc Nông trại du lịch - sân chim Vàm Hồ (huyện Ba Tri, Bến Tre) cho hay, du khách đến nông trại du lịch và sân chim được ngồi thuyền trên sông Ba Lai, ngắm nhìn cảnh quan thanh bình, quan sát nhịp sống làng quê hoặc dạo bước trong vườn xanh, sân chim, tìm hiểu văn hóa dân gian qua những truyền thuyết, thưởng thức ẩm thực.
*Đa dạng trải nghiệm văn hóa
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, mang lại nét đặc sắc cho du lịch, việc khai thác các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch sinh thái cộng đồng gắn với sản phẩm thuộc chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) là một trong những hướng phát triển được thành phố thực hiện. Qua đó, không chỉ quảng bá nông sản, đặc sản địa phương mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa, tăng thu nhập cho người dân. Ngay đầu tháng 5, điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Khu Du lịch sinh thái Cần Thơ ECO resort đã được khai trương, giúp kết nối, thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, du khách tham quan, mua sắm và tìm hiểu nét văn hóa địa phương qua những nghề sản xuất, sản phẩm mang tính truyền thống.
Từ góc độ doanh nghiệp khai thác tour, ông Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T, Bến Tre chia sẻ, để thu hút du khách, nhiều sản phẩm du lịch, ẩm thực mà doanh nghiệp đang phục vụ du khách có “chủ ý” gắn với văn hóa xứ Dừa, văn hóa sông nước, miệt vườn, cù lao. Có khi chỉ là những vật dụng nhỏ dùng trong bữa cơm mời khách như đôi đũa dừa, thức ăn bày trong vỏ trái dừa hay lời mời, cách giới thiệu món ăn là những câu ca dao quen thuộc khiến du khách có cảm giác như được “chạm” vào hồn quê.
Với du lịch đất Sen hồng Đồng Tháp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, hiện nay, một trong những điểm nhấn, đưa du khách trải nghiệm văn hóa, đời sống cộng đồng ở Đồng Tháp là mô hình chợ quê khai thác du lịch, tạo không gian giao thương hàng hóa và gìn giữ nét văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Theo đó, chợ quê Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh) hoạt động định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần, tái hiện khung cảnh chợ xưa với nhiều quầy hàng bán sản phẩm đặc trưng của địa phương như, các loại bánh dân gian, trái cây, thủy sản, sản phẩm OCOP, hoạt động giao lưu, biểu diễn đờn ca tài tử - hò Đồng Tháp, trò chơi dân gian.
Chợ quê Gò Tháp (huyện Tháp Mười), hoạt động vào chiều và tối mỗi thứ bảy của tuần cuối tháng, bày bán sản phẩm đặc trưng của địa phương như nông sản, thủy sản, các món ăn dân gian. Chợ quê cù lao Long Thuận (huyện Hồng Ngự) hoạt động vào chiều và tối thứ Bảy hàng tuần với nhiều quầy hàng phục vụ món ăn dân dã, cá khô và đặc biệt có quầy hàng cung cấp sản phẩm từ làng nghề dệt choàng (dệt khăn rằn) Long Khánh nổi tiếng. Chợ quê Tràm Chim (huyện Tam Nông) diễn ra chiều và tối thứ Bảy hàng tuần với 40 quầy hàng ngoài phục vụ các món bánh dân gian, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Tam Nông.
Các chợ quê khai thác hoạt động du lịch ở Đồng Tháp tiếp tục được duy trì, phát triển, giúp người dân nâng cao thu nhập, đồng thời quảng bá hình ảnh, nét văn hóa đặc sắc ở địa phương thời gian tới./.