Khoa học

Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ VR/AR

Cần Thơ

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng giàu tiềm năng du lịch, nhưng việc ứng dụng VR/AR phát triển du lịch còn nhiều hạn chế.

Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) tạo ra trải nghiệm sống động, hấp dẫn, giúp hỗ trợ du khách khám phá các tour, tuyến, điểm đến, sản phẩm du lịch từ xa, tăng trải nghiệm cá nhân, làm phong phú các hoạt động du lịch. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng giàu tiềm năng du lịch, nhưng việc ứng dụng VR/AR phát triển du lịch còn nhiều hạn chế.

Theo các chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn với miệt vườn sông nước, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và đất ngập nước đồng bằng độc đáo, không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc như: Khu tưởng niệm Bác Tôn (An Giang); hệ thống các chợ nổi như Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Năm (Sóc Trăng), Ngã Bảy (Hậu Giang); Nhà công tử Bạc Liêu (Bạc Liêu); Cụm di tích Thất Sơn; Miếu bà Chúa Xứ (An Giang). Ngoài ra, vùng còn có nhiều danh lam thắng cảnh ở Hà Tiên, Phú Quốc (Kiên Giang), Mũi Cà Mau, Đồng Tháp Mười….

Những địa điểm này có thể được số hóa qua VR/AR, mang lại trải nghiệm chân thực và sống động cho du khách và học sinh. Chẳng hạn, công nghệ VR có thể tái hiện không gian Chợ nổi Cái Răng, cho phép người dùng trải nghiệm mua bán trên sông qua kính VR mà không cần đến tận nơi. VR/AR cũng giúp tăng trải nghiệm cá nhân, mang lại trải nghiệm khám phá ảo cho du khách trước khi họ đến địa điểm thực tế; làm phong phú các hoạt động du lịch,...

Ông Vũ Tuấn Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển công nghệ thực tế ảo Việt Nam cho rằng, VR/AR với khả năng mang lại trải nghiệm sống động, đang trở thành công cụ quan trọng để phát triển lĩnh vực du lịch. Không chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch hiện đại, ứng dụng VR/AR còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế số, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long trên bản đồ quốc gia và quốc tế.

Nhận thấy được tiềm năng của ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã quan tâm, triển khai, phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực du lịch, đầu tư xây dựng Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động marketing du lịch và phát triển các ứng dụng khác từ trí tuệ nhân tạo, tham quan 3D, thực tế ảo, nhằm giúp du khách có những trải nghiệm, định vị điểm đến và dẫn đường thông minh qua bản đồ tương tác.

Bà Trần Đông Phương An, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ cho biết, thành phố đã khai trương Cổng thông tin du lịch và ứng dụng thông minh thiết bị di động "Can Tho Tourism" cho phép du khách tra cứu, tìm kiếm thông tin du lịch theo vị trí như lưu trú, ẩm thực, điểm du lịch, cửa hàng, giải trí, lữ hành, sự kiện.

Xác định, ứng dụng công nghệ thực tế ảo là một trong 6 nội dung cần được chú trọng, ngành Du lịch Cần Thơ sẽ số hóa toàn bộ điểm đến, sản phẩm du lịch, sự kiện văn hóa giải trí trên địa bàn, hướng đến việc xây dựng hình ảnh 3D (VR360) ở các điểm thu hút khách tham quan. Cụ thể, các điểm du lịch thử nghiệm ban đầu là: Ðền thờ vua Hùng, Bến Ninh Kiều, Nhà cổ Bình Thủy, Chợ nổi Cái Răng,...

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, việc ứng dụng thực tế ảo trong lĩnh vực du lịch tại vùng vẫn còn những hạn chế như: Hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, thiếu nhân lực chất lượng cao và chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Các thiết bị VR/AR, như kính thực tế ảo hoặc máy chiếu 3D, chưa phổ biến tại các cơ sở giáo dục và khu du lịch. Một số địa điểm du lịch tiềm năng vẫn chưa được số hóa, khiến việc ứng dụng VR/AR chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm. Ví dụ, mặc dù Chợ nổi Cái Răng là biểu tượng của du lịch miền Tây, nhưng vẫn chưa có dự án VR/AR quy mô nào được triển khai để quảng bá chợ nổi đến du khách quốc tế.

Trước những thách thức trên, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường phối hợp UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội du lịch vùng, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, tập trung 3 mũi đột phá trong triển khai thực hiện là: Xây dựng cơ chế, chính sách tăng cường ứng dụng công nghệ VR/AR trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và ngành Du lịch vùng; phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số; kết nối vùng và thị trường, xây dựng “Cụm ngành Du lịch” gắn với VR/AR; tăng cường ứng dụng VR/AR trong giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

"Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường tại thành phố Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là xu hướng tất yếu để phát triển ngành Du lịch, giúp vùng có cơ hội kết nối với thị trường quốc tế để thúc đẩy quảng bá và bảo tồn di sản", Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nhận định./.

Thu Hiền

Xem thêm