Khoa học

Lễ gắn biển các công trình mang tên hai nhà lãnh đạo đầu tiên của Viện Hàn lâm

Viện sỹ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa và Viện sỹ, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu là hai vị Lãnh đạo đầu tiên của Viện Hàn lâm, có công gây dựng và đặt nền móng cho sự phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Viện sỹ, Giáo sư Châu Văn Minh phát biểu tại buổi Lễ. TTXVN
Ảnh: TTXVN phát

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập, ngày 23/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tổ chức Lễ gắn biển các công trình mang tên Viện sỹ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa và Viện sỹ, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu. Đây là hai vị Lãnh đạo đầu tiên của Viện Hàn lâm, có công gây dựng và đặt nền móng cho sự phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Lễ, Viện sỹ, Giáo sư Châu Văn Minh cho biết, Viện sỹ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa và Viện sỹ, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu là hai vị Lãnh đạo đầu tiên của Viện Hàn lâm, có công gây dựng và đặt nền móng cho sự phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Thiếu tướng, Anh hùng Lao động, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa là một nhân tài kiệt xuất, đã rất thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ tiên tiến tại Cộng hòa Pháp từ năm 1935. Năm 1946, ông là người Việt ở Pháp đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn đưa về nước cùng Người, đặt cho tên “Trần Đại Nghĩa” với niềm tin và mong muốn ông sẽ có những cống hiến vô cùng quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Tên tuổi và những hình ảnh sinh động về những hoạt động đa dạng, những đóng góp quan trọng của ông cho đất nước có ở mọi nơi, lưu trong tâm khảm của bao nhiêu thế hệ chiến sỹ, giới khoa học công nghệ và trí thức nói chung, của quần chúng nhân dân, bạn bè quốc tế. Đặc biệt, đối với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam (tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) từ khi Chính phủ thành lập năm 1975 cho đến năm 1983.

Quang cảnh buổi Lễ. 
Ảnh: TTXVN phát

Giai đoạn 1983-1994, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu đã kế nhiệm xuất sắc Viện sỹ Trần Ðại Nghĩa, lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam và xây dựng Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, thực hiện yêu cầu của Chính phủ đẩy mạnh các nghiên cứu công nghệ phục vụ phát triển đất nước. Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu là nhà vật lý lý thuyết tên tuổi trên thế giới, đã được phong Giáo sư Vật lý của Trường đại học Tổng hợp Lomonosov danh tiếng khi mới 30 tuổi (1968), được Nhà nước Liên Xô trao tặng Giải thưởng Lê-nin về Khoa học và Kỹ thuật năm 1986, Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Kỹ thuật năm 1996.

“Đây là sự tôn vinh trang trọng hai tượng đài tiêu biểu của giới trí thức cách mạng Việt Nam, đồng thời khơi dậy lòng tự hào của các thế hệ cán bộ khoa học công nghệ hôm nay và mai sau, cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm tiếp tục xây dựng Viện Hàn lâm trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” Viện sỹ, Giáo sư Châu Văn Minh nhấn mạnh.

Hội trường mang tên Viện sỹ Trần Đại Nghĩa tại Nhà A1, số 18 Hoàng Quốc Việt sẽ là nơi Viện Hàn lâm tổ chức các sự kiện khoa học công nghệ quan trọng. Tên tuổi Viện sỹ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa sẽ luôn là sự nhắc nhở và truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học trẻ noi theo và phấn đấu.

Khu Triển khai công nghệ cao mang tên Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu tại Phường Cổ Nhuế 2, Quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội sẽ là biểu tượng cho sự phát triển khoa học công nghệ phục vụ triển khai ứng dụng, là nơi sáng tạo những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ đất nước.

Đại tá Trần Dũng Trí chia sẻ những đóng góp của Viện sỹ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa cho khoa học và đất nước. Diệu Thúy- TTXVN
Ảnh: TTXVN phát

Thay mặt gia đình Viện sỹ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Đại tá Trần Dũng Trí tự hào với truyền thống gia đình và những đóng góp của Viện sỹ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa cho sự phát triển của đất nước và nền khoa học Việt Nam. Ông cho biết, sinh thời, Viện sỹ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa từng chia sẻ: “Viện Khoa học Việt Nam bấy giờ còn nhiều khó khăn, khi nào Viện có thể phát triển hơn về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất sẽ đổi tên thành Viện Hàn lâm”.

Viện sỹ, Giáo sư Châu Văn Minh thực hiện nghi thức gắn biển Khu triển khai công nghệ cao Nguyễn Văn Hiệu. 
Ảnh: TTXVN phát

Trong khuôn khổ buổi Lễ, các đại biểu đã dâng hương tại tượng đài Viện sỹ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa, thực hiện nghi thức gắn biển Hội trường Trần Đại Nghĩa. Tiếp đó các đại biểu đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Mai Dịch, nơi an nghỉ của Viện sỹ, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu và thực hiện nghi thức gắn biển Khu triển khai công nghệ cao Nguyễn Văn Hiệu tại phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội./.

PV

Xem thêm