Ngày 11/1/1969, đánh dấu mốc quan trọng khi Thụy Điển trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Suốt 55 năm qua, Thụy Điển không chỉ là quốc gia Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam mà còn là một đối tác bình đẳng, hợp tác vì lợi ích chung của cả hai bên.
Ngày 23/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “55 quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển”. Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, ngày 11/1/1969, đánh dấu mốc quan trọng khi Thụy Điển trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Suốt 55 năm qua, Thụy Điển không chỉ là quốc gia Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam mà còn là một đối tác bình đẳng, hợp tác vì lợi ích chung của cả hai bên.
Những năm gần đây, Thụy Điển đã đóng góp đáng kể vào việc hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành khoa học công nghệ, báo chí và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, các hoạt động giao lưu, trao đổi về khoa học và công nghệ giữa hai nước vẫn còn hạn chế.
Kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là cơ hội để hai nước cùng nhìn lại chặng đường hợp tác và tìm ra những giải pháp nhằm nâng tầm mối quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. Sự kiện này không chỉ là dịp để tri ân những đóng góp của Thụy Điển cho sự phát triển của Việt Nam mà còn là cơ hội để xây dựng nền tảng hợp tác sâu rộng và bền vững hơn trong tương lai.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Lịch, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), Việt Nam và Thụy Điển đã thiết lập mối quan hệ đối tác bền chặt trên nhiều lĩnh vực nhưng trước bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức mới, việc thúc đẩy thương mại, đầu tư và mở rộng hợp tác là nhiệm vụ cấp thiết.
Đặc biệt, hai bên cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và địa phương kết nối, với sáng kiến tiêu biểu như “Đột phá tiên phong” tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ các giải pháp sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Hợp tác chặt chẽ không chỉ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có mà còn mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực quan trọng như chuyển đổi xanh, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững ở cả hai khu vực.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam trở thành công cụ quan trọng để Việt Nam và Thụy Điển đẩy mạnh hợp tác. Với thế mạnh của Thụy Điển trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, lâm nghiệp bền vững, xử lý chất thải và công nghiệp hỗ trợ ô tô, Việt Nam cần chủ động khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư…
Thụy Điển với uy tín kinh tế và tài chính quốc tế có thể hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn lực và triển khai các sáng kiến hợp tác mới, đặc biệt trong kỹ thuật số, phát triển mạng lưới sản xuất, tái chế, xử lý chất thải, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; quan hệ hợp tác văn hóa giữa hai quốc gia cũng cần được chú trọng. Việc tăng cường các quan hệ đối tác trực tiếp giữa các tổ chức văn hóa và nghệ thuật sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ cân bằng, sâu sắc và bền vững hơn.
Ông Oscar Staffas Edstrom, Cố vấn, Trưởng ban Thương mại và Kinh tế tại Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam khẳng định, Thụy Điển cam kết đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong hành trình phát triển bền vững thông qua các sáng kiến đổi mới và đầu tư chiến lược. Thụy Điển không chỉ là đối tác thương mại và đầu tư mà còn cam kết hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực trọng yếu. Thụy Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực như đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, y tế và đào tạo nguồn nhân lực. Các khoản đầu tư chiến lược của Thụy Điển không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn tạo ra việc làm, nâng cao trình độ công nghệ và chất lượng sống cho người dân Việt Nam.
Chia sẻ về chính sách thúc đẩy chuyển đổi số cho Việt Nam từ kinh nghiệm Thụy Điển, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chiến Thắng, Viện Nghiên cứu châu Âu cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi số, Nhà nước cần kiến tạo thể chế phát triển công nghệ số thông qua xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về dữ liệu mở, bảo vệ tài sản số, định danh điện tử và thử nghiệm công nghệ mới; đồng thời, cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số. Bên cạnh đó, cần xây dựng khung triển khai dịch vụ công trực tuyến nhằm tối ưu hóa quy trình, phát triển ứng dụng số, đảm bảo an ninh mạng và cải thiện môi trường đầu tư.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, đặc biệt là khai thác tiềm năng từ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, và sản xuất bền vững; nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với các sáng kiến hợp tác trong trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin và phát triển thành phố thông minh.
Các đại biểu cũng trao đổi những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo, học bổng và hợp tác giáo dục.../.
- Từ khóa:
- Kỷ niệm 55 Việt Nam Thuỵ Điển