Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm đã diễn ra chương trình ký kết hợp tác, liên kết, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch giữa các đơn vị
Chiều 23/5, tại thành phố Đồng Hới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với các đơn vị tổ chức Tọa đàm phát triển, kết nối sản phẩm du lịch Quảng Bình.
Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ và gần 130 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong nước.
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình Đặng Đông Hà cho biết, thương hiệu “Du lịch Quảng Bình - điểm đến thiên nhiên hấp dẫn và khác biệt” ngày càng được khẳng định và phát huy giá trị điểm đến. Trong 5 tháng đầu năm 2025, Quảng Bình đón khoảng hơn 2,1 triệu lượt khách, riêng khách quốc tế dự ước đạt gần 80.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả nhất định, sự phát triển du lịch Quảng Bình vẫn còn nhiều khuyết điểm, hạn chế, nhất là các sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, thiếu các sản phẩm du lịch về đêm, dịch vụ vui chơi giải trí, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cho khách quốc tế chưa bảo đảm.
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến của các đại biểu đã phân tích, đánh giá tài nguyên, tiềm năng phát triển và đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm, dịch vụ hình thành chuỗi giá trị du lịch theo hướng bền vững, giá trị cao và giảm thiểu tính thời vụ đối với du lịch tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến thảo luận, đề xuất các giải pháp liên kết hợp tác để hình thành chương trình tham quan “Một hành trình - đa trải nghiệm” giữa Quảng Bình với các tỉnh trong khu vực miền Trung, các sản phẩm du lịch xanh, du lịch thiên nhiên kết hợp với tìm hiểu sự đa dạng, độc đáo về văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội Đoàn Ngọc Tùng đánh giá rất cao các tiềm năng du lịch hang động, du lịch sinh thái của tỉnh Quảng Bình. Những năm qua, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội đã phối hợp với Sở Du lịch nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các đoàn tàu charter phục vụ khách du lịch hằng năm.
Theo ông Đoàn Ngọc Tùng, trong chuyến khảo sát lần tại Quảng Bình lần này, Câu lạc bộ đưa gần 40 doanh nghiệp tham gia tham quan, trải nghiệm và đều có cảm nhận tốt. Tuy nhiên, ông cũng góp ý thêm cho các điểm đến ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng cần có thêm xe điện để di chuyển trong khu vực, chú ý hơn đến công tác y tế, sơ cấp cứu để phòng các tình huống không mong muốn đối với khách khi đi tham quan.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu nhấn mạnh, Quảng Bình đang là tỉnh phát triển trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm và thiên đường khám phá trải nghiệm hàng đầu châu Á với hệ thống hang động mùng vĩ cùng hệ sinh thái đa dạng và các giá trị văn hóa phong phú.
Để ngành du lịch Quảng Bình phát triển bền vững, hiệu quả, ông Hà Văn Siêu cho rằng tỉnh Quảng Bình cần hoàn thiện hạ tầng và kết nối; cần có các giải pháp đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó du lịch thiên nhiên, mạo hiểm được xem là thế mạnh đặc trưng của Quảng Bình... Song song đó, du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử cần được tăng cường quảng bá, kết nối; du lịch cộng đồng cần phát triển mô hình homestay ở bản làng như Bản Đoòng, xã Trọng Hóa và kết hợp trải nghiệm nông nghiệp, ẩm thực dân tộc...
Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm đã diễn ra chương trình ký kết hợp tác, liên kết, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch giữa các đơn vị: Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội với Trung tâm xúc tiến du lịch Quảng Bình và Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng; ký kết liên kết phát triển du lịch khu vực miền Tây giữa hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị./.
- Từ khóa:
- Quảng Bình
- tìm
- giải pháp
- phát triển
- kết nối
- sản phẩm
- du lịch