Bình Thuận được biết đến là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam; với 192 km chiều dài bờ biển, Bình Thuận có nhiều điểm du ngoạn nổi tiếng như: Cù Lao Câu, Gành Son, Mũi Điện- Kê Gà, Phú Quý…
Sáng 23/5, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo khoa học “Sở hữu trí tuệ - Nền tảng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững hệ sinh thái du lịch xanh Bình Thuận”. Gần 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo tỉnh, sở, ngành liên quan và các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, Hội thảo nhằm đề xuất giải pháp cụ thể cho việc ứng dụng sở hữu trí tuệ trong phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành du lịch xanh Bình Thuận; tạo cơ hội để chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp kết nối, trao đổi kinh nghiệm, phát triển ngành du lịch trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.
Đây cũng là hoạt động góp phần cụ thể hóa Quyết định số 645/QĐ - UBND ngày 15/3/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, trong đó tập trung đẩy mạnh vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ trong hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững hệ sinh thái du lịch xanh Bình Thuận.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ vấn đề liên quan đến chính sách và quy định về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực du lịch; phân tích vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ trong bảo hộ các sản phẩm du lịch và duy trì, phát huy giá trị văn hóa du lịch địa phương… Các đại biểu đề xuất giải pháp và chiến lược phát triển bền vững hệ sinh thái du lịch xanh; nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong cộng đồng du lịch Bình Thuận.
Bình Thuận được biết đến là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam. Với 192 km chiều dài bờ biển, Bình Thuận có nhiều điểm du ngoạn nổi tiếng như: Cù Lao Câu, Gành Son, Mũi Điện- Kê Gà, Phú Quý…
Bên cạnh đó, Bình Thuận còn rất “giàu có” tài nguyên du lịch nhân văn như: quần thể tháp Chăm Pô Sah Inư, Trường Dục Thanh, chùa núi Tà Cú và hệ thống lễ hội.
Hiện nay, nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của tỉnh được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đưa vào khai thác trở thành chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm của tỉnh nói chung và tạo hình ảnh, uy tín cho du lịch của tỉnh Bình Thuận nói riêng. Điển hình như, chỉ dẫn địa lý thanh long “Bình Thuận”, nước mắm “Phan Thiết”…
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là định hướng xuyên suốt trong chiến lược phát triển của tỉnh. Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh vai trò của du lịch trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực tăng trưởng mới, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt, tiềm năng tự nhiên là chưa đủ, điều chúng ta cần là sự đổi mới sáng tạo trong cách tổ chức sản phẩm du lịch, khai thác tài nguyên bản địa hiệu quả, có đột phá trong tư duy, cách làm và ứng dụng khoa học công nghệ (chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo AI). Đặc biệt là có một nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ và phát triển các giá trị ấy trong việc thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Bình Thuận. Đó chính là vai trò to lớn của sở hữu trí tuệ.
Sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ pháp lý mà còn là động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khuyến khích sự khác biệt, giúp các sản phẩm, dịch vụ du lịch Bình Thuận khẳng định vị thế và uy tín trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.
Theo ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa quan tâm đúng mức đến việc đăng ký quyền bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần có cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, nhất là với du lịch Bình Thuận, tránh ảnh hưởng uy tín thương hiệu điểm đến trong mắt du khách trong nước và quốc tế.
Các đại biểu cho rằng, Bình Thuận cần có chính sách hỗ trợ cụ thể về sở hữu trí tuệ cho lĩnh vực du lịch; gắn kết chương trình của ngành khoa học công nghệ với ngành du lịch; có chính sách hỗ trợ cụ thể việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm du lịch xanh, sáng kiến của start - up khởi nghiệp…/.
- Từ khóa:
- Bình Thuận
- thương hiệu du lịch
- sở hữu trí tuệ