Pháp luật

Nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hà Nội

Các cơ quan chủ động trao đổi, thảo luận để làm rõ các vướng mắc hiện nay như khó khăn về chính sách, tiếp cận nguồn lực… và từ đó đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả để tháo gỡ những vướng mắc đó.

Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị Hội nghị công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Ngày 6/5, tại Hà Nội, Cục Phổ biến giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị về Công tác hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các Bộ ngành, Hiệp hội để bàn các giải pháp nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dự thảo báo cáo Tổng kết 06 năm thực hiện Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và cho thấy, qua 5 năm thực hiện Nghị định, trong phạm vi lĩnh vực quản lý, các bộ, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn... nhằm triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Một số địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng và triển khai đề án, đề tài, chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; ban hành Nghị quyết quy định định mức chi của địa phương cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, quy chế phối hợp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Từ năm 2018, Bộ Tư pháp đã xây dựng và vận hành Trang tin điện tử hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn); thành lập Ban biên tập Trang tin ban hành Quy chế hoạt động của Trang tin ; phân công đơn vị đầu mối quản lý, vận hành Trang tin. Từ khi vận hành chính thức đến nay, Trang tin đã cập nhật, đăng tải 262 tin, bài, tài liệu phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin pháp lý của doanh nghiệp. Các chuyên mục của Trang tin cơ bản phù hợp với mục tiêu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, có nhiều tính năng mới, tiện ích thiết thực (khảo sát trực tuyến, hỏi đáp và tư vấn trực tuyến, livestream, Facebook/Youtube/Zoom…)

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã xây dựng chuyên mục, mục riêng về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp hoặc lồng ghép nội dung về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên chuyên mục liên quan thuộc Cổng/Trang tin điện tử của bộ, cơ quan, địa phương, tạo điều kiện tiếp cận kịp thời hơn với các thông tin, văn bản, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời, cung cấp thông tin pháp lý, kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chuyên mục, chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số quy định của Nghị định này đã bộc lộ bất cập, chưa tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định được kịp thời, thuận tiện. Hiện nay, chưa có quy định ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp tạo tác động xã hội… Trong khi đó, Nghị quyết 10-NQ/TW và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh vai trò then chốt của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Nghị định 55/2019/NĐ-CP mới chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa bao phủ hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể - lực lượng đông đảo nhưng còn hạn chế về tiềm lực.

Bên cạnh đó, đa số bộ, ngành chưa công bố mạng lưới tư vấn viên pháp luật; chi phí hỗ trợ còn thấp, thủ tục rườm rà. Vì vậy, cần hoàn thiện thể chế, xác định rõ trách nhiệm cơ quan liên quan, mở rộng đối tượng thụ hưởng, ban hành cơ chế hỗ trợ pháp lý chung và ưu tiên đặc thù theo từng nhóm theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý Lê Vệ Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 55/2019/NĐ-CP nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, đồng thời khẳng định vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc đồng hành, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các cơ quan cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mình trong chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chủ động trao đổi, thảo luận để làm rõ các vướng mắc hiện nay như khó khăn về chính sách, tiếp cận nguồn lực… và từ đó đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả để tháo gỡ những vướng mắc đó.

Ông Lê Vệ Quốc đề nghị trong thời gian tới các Bộ, ngành tập trung xây dựng chương trình, đôn đốc và theo dõi quá trình thực hiện… bảo đảm chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực sự đi vào cuộc sống, có tác động tích cực. Từ đó góp phần nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân mới được ban hành./.

Đỗ Bình

Xem thêm