Đây là phiên tòa xét xử dân sự điểm được Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, trình chiếu tới các đầu cầu tại trụ sở Tòa án, Viện Kiểm sát các quận, huyện trên địa bàn
(TTXVN) Ngày 30/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm một vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng thuê đất. Phiên tòa được truyền trực tuyến tới 32 điểm cầu tại Tòa án, Viện Kiểm sát cấp thành phố và 30 quận, huyện trên địa bàn nhằm nâng cao kỹ năng xét xử, điều hành phiên tòa, chuẩn bị tài liệu, trang bị kỹ thuật… cho đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, thẩm tra viên.
Trước đó, ngày 28/7/2022, Tòa án nhân dân huyện Ba Vì (Hà Nội) đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án này. Nguyên đơn là ông Nguyễn Hồng Quân (sinh năm 1974, ở Lâm Thao, Phú Thọ) kiện bà Đinh Thị Thụ (là bị đơn có yêu cầu phản tố, sinh năm 1954, ở Ba Vì, Hà Nội). Năm 2013, ông Quân thuê của bà Thụ 5.000 m2 đất tại xã Minh Quang (huyện Ba Vì) trong 10 năm (từ năm 2014-2024), với giá 2 triệu đồng/năm. Tới năm 2016, ông Quân ký bổ sung thêm với bà Thụ hợp đồng thuê mượn đất của thửa đất trên với thời hạn 5 năm (từ năm 2024-2029), giá thuê là 4 triệu đồng/năm.
Quá trình thực hiện hợp đồng, các bên đã xảy ra tranh chấp về việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Ông Quân cho rằng, trong thời gian thuê đất của bà Thụ, bà Thụ đã tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, ngăn cản việc chăm sóc cây cối trên diện tích đất thuê làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Quân.
Phía bà Thụ cho rằng, trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Quân đã tự ý đi vay tiền rồi thế chấp hợp đồng để đảm bảo khoản vay, khiến cho con trai bà đã phải đi chuộc lại hợp đồng và thanh toán số tiền mà ông Quân đã vay. Bà Thụ cho rằng: Như vậy, ông Quân đã tự ý chấm dứt hợp đồng và bà Thụ có quyền chuyển nhượng diện tích đất cho người khác.
Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Quân về việc cho tiếp tục hợp đồng thuê đất; đồng thời buộc ông Quân phải có nghĩa vụ trao trả lại thửa đất đã thuê cho bà Thụ và thanh toán tiền thuê đất từ năm 2019-2022. Bà Thụ được nhận lại đất và có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông Quân số tiền hơn 84 triệu đồng.
Sau khi xem xét vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định sửa án sơ thẩm do các bên đương sự đã thống nhất được việc chấm dứt hợp đồng thuê quyền sử dụng thửa đất nói trên. Đồng thời, Tòa tuyên buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền 300 triệu đồng do hai bên thống nhất chấm dứt hợp đồng thuê quyền sử dụng đất trước thời hạn.
Đây là phiên tòa xét xử dân sự điểm được Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, trình chiếu tới các đầu cầu tại trụ sở Tòa án, Viện Kiểm sát các quận, huyện trên địa bàn cho các thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký tòa, thẩm tra viên… theo dõi, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã chú trọng thực hiện số hóa hồ sơ, trình chiếu các tài liệu, chứng cứ số hóa tại phiên tòa và phân tích, đánh giá đầy đủ các tình tiết của vụ án. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã thực hiện tốt kỹ năng điều hành phiên tòa từ khi khai mạc cho đến khi kết thúc phiên tòa, đặc biệt là việc điều hành phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp. Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ hoạt động tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, thẩm phán, thư ký Tòa án, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng; tham gia hỏi các bên đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đặt câu hỏi rõ ràng, có trọng tâm.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Bùi Thị Hồng Anh cho biết: Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, kiểm sát viên được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội luôn chú trọng. Đặc biệt là công tác tự đào tạo thông qua các hình thức mở lớp tập huấn (do các kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên dày dặn kinh nghiệm đảm nhiệm) và tự đào tạo thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến có sự tham gia của những thẩm phán, kiểm sát viên dày dặn kinh nghiệm. Các đơn vị đều chú trọng thực hiện thường xuyên công tác tự đào tạo, phân công kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các kiểm sát viên còn ít kinh nghiệm, mới vào nghề… Qua đó, tạo sự gắn kết và thi đua học tập, nâng cao kỹ năng nghề cho các kiểm sát viên trong ngành.
Sau phiên tòa này, tại Tòa án, Viện Kiểm sát 2 cấp thành phố Hà Nội sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá mọi mặt công tác điều hành phiên tòa, áp dụng pháp luật, chuẩn bị tài liệu, kỹ năng đặt câu hỏi, xử lý tình huống, đối đáp… Đồng thời, trao đổi, thảo luận và giải đáp các kiến nghị, thắc mắc xung quanh việc hoàn thiện pháp luật, thu thập chứng cứ, kinh nghiệm xét hỏi… Từ đó, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, xét xử, giải quyết các vụ án dân sự - hành chính hiện nay./.
- Từ khóa:
- xét xử trực tuyến