Văn hóa

Nâng tầm nghệ thuật rối nước lên một vị thế mới

Hà Nội

Múa rối nước - một loại hình nghệ thuật ra đời vào khoảng thế kỷ XI ở vùng châu thổ sông Hồng đã trở thành một biểu tượng của nghệ thuật truyền thống, một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Nhà hát Múa rối Thăng Long. 
Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN

Ngày 25/12, Nhà hát múa rối Thăng Long tổ chức kỷ niệm 55 năm thành lập (10/10/1969 - 10/10/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Múa rối nước - một loại hình nghệ thuật ra đời vào khoảng thế kỷ XI ở vùng châu thổ sông Hồng đã trở thành một biểu tượng của nghệ thuật truyền thống, một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc biệt này của Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1969, Nhà hát múa rối Thăng Long được thành lập, có chức năng biểu diễn nghệ thuật múa rối (rối cạn và rối nước); sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa rối truyền thống Thăng Long - Hà Nội.

Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long cho biết, 55 năm qua, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng các thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên, viên chức của Nhà hát đã đoàn kết, cùng nhau rèn đức, luyện tài, bền bỉ và sáng tạo trong lao động nghệ thuật, nhằm đưa Nhà hát cùng nghệ thuật múa rối Thăng Long không ngừng phát triển, ngày càng tỏa sáng.

Nhà hát múa rối Thăng Long không chỉ là điểm hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời còn quảng bá, gây ấn tượng sâu đậm về nghệ thuật múa rối nước truyền thống độc đáo của Việt Nam với công chúng tại hơn 40 quốc gia trên thế giới… Đến thời điểm hiện tại, Nhà hát đã có suất biểu diễn liên tục xuyên suốt 365 ngày/năm, trở thành thương hiệu hàng đầu của nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam. Doanh thu hiện nay mỗi năm của đơn vị lên tới gần 60 tỷ đồng với gần 2 ngàn suất diễn. Nhờ đó, nghệ sỹ có thể sống bằng nghề.

Bên cạnh biểu diễn rối, Nhà hát cũng được giao dàn dựng các chương trình nghệ thuật mang tầm quốc gia và quốc tế đưa nghệ thuật truyển thống của Việt Nam đến gần hơn với khán giả trong và ngoài nước. Những thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát múa rối Thăng Long luôn tâm huyết, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng các chương trình, thể hiện rõ nhất ở những vở diễn mới mang hơi thở của thời đại - ở đó có sự kết tinh của căn cốt cổ xưa với nhiều loại hình nghệ thuật, thủ pháp nghệ thuật đương đại và công nghệ mới, tạo ra những tác phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật rối nước.

Với định hướng đầy tính sáng tạo này, những chương trình biểu diễn của Nhà hát đã trở thành một trong những sản phẩm văn hóa trụ cột hỗ trợ phát triển du lịch Thủ đô. Trong bối cảnh Hà Nội còn thiếu vắng các sản phẩm nghe nhìn hấp dẫn phục vụ du khách, mỗi suất diễn chỉ kéo dài 50 phút của Nhà hát múa rối Thăng Long thực sự cuốn hút (đặc biệt đối với du khách quốc tế); giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam theo một phương thức độc đáo, vui nhộn và dễ tiếp nhận nhất, nâng tầm rối nước lên một vị thế mới.

Với những kết quả, thành tích các thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên, viên chức của đơn vị đạt được qua các thời kỳ, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập, Nhà hát múa rối Thăng Long vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Nhà hát múa rối Thăng Long thành phố Hà Nội do đã có thành tích xuất sắc trong công tác sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật của múa rối truyền thống./.

Tuyết Mai

Xem thêm