Các đơn vị nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống vẫn trông ngóng các diễn viên trẻ trung, những gương mặt mới để đem lại nguồn sinh khí mới mẻ cho các tác phẩm của nhà hát.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật được Bộ thực hiện từ năm 2021 nhưng do nhiều yếu tố khách quan, cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Điều này ảnh hưởng đến sự ổn định trong đào tạo một số ngành, nghề của Bộ đặc biệt là khối nghệ thuật truyền thống. Lỗ hổng này dẫn đến việc thiếu lực lượng diễn viên nghệ thuật truyền thống trên toàn quốc. Bên cạnh đó, việc đào tạo văn hóa cho học viên, sinh viên nghệ thuật truyền thống cũng rất cần thiết.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội Phạm Chỉnh nêu rõ, các diễn viên trẻ đang rất thiếu, dù đơn vị luôn rộng cửa để tuyển dụng. Khi xem vở mới của đơn vị, người hâm mộ dù vẫn hoan nghênh các đào kép thành danh của đơn vị như NSND Thanh Hương, NSƯT Hồng Nhung, Tuấn Cường hay các tài năng như Nhật Linh nhưng vẫn trông ngóng các diễn viên trẻ trung, những gương mặt mới để đem lại nguồn sinh khí mới mẻ cho các tác phẩm của nhà hát.
Nhưng điều mà ông lo lắng hơn cả sự thiếu vắng các diễn viên trẻ còn là nhân lực cho âm nhạc cải lương. Với tư cách lãnh đạo, lại là nhạc sĩ nên ông càng quan ngại khi cho biết, đào tạo nhạc công mất rất nhiều thời gian, nhất là nhạc công của dàn nhạc cổ. Nếu không có phương pháp, cơ chế và sự tuyên truyền từ nhiều phía thì rất gần thôi, dàn nhạc của các đơn vị cải lương sẽ trống vắng, khó mà đảm nhiệm nổi vai trò của âm nhạc cho ngành kịch hát này.
Còn NSND Trọng Bình, Trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, lực lượng diễn viên biểu diễn 40 tuổi trở lên ở Nhà hát chiếm 64% và đã có gần chục người sắp nghỉ hưu. Tuyển chọn diễn viên trẻ như đãi cát tìm vàng, vài khóa mới chọn được một em. Bởi cải lương không thời thượng, không theo trend, cuộc sống bấp bênh khi không có biên chế. Vì thế, ở đơn vị hầu hết các đào chính đều đã lớn tuổi. Diễn viên trẻ đủ khả năng đóng vai chính cũng ngoài 30 tuổi, có diễn viên hơn 50 tuổi vẫn phải đóng vai thiếu nữ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, người hoạt động trong ngành sân khấu đều thuộc câu “thầy già, con hát trẻ”, sức trẻ mới là sự thanh xuân của nghệ thuật biểu diễn. Vậy nhưng thực tế hiện nay, tình hình lực lượng trẻ của ngành đang gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là một lý do dẫn tới sự suy thoái, giảm sút sức hút của cải lương đối với khán giả vì cải lương rất cần những ngôi sao khi tâm lý của số đông công chúng đam mê đến rạp vì thần tượng của họ sẽ hát.
Nghệ thuật cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh từng có các thế hệ vàng nghệ sĩ tên tuổi đi vào lịch sử, được khán giả mến mộ nồng nhiệt nhưng càng về sau số lượng nghệ sĩ cải lương ngày càng ít đi. Điều này phản ánh sự hoạt động của ngành khi vị thế của bộ môn này trong lòng khán giả mỗi thời điểm mỗi khác. Ở thời kỳ trước, sân khấu sáng đèn liên tục, cải lương được đại chúng yêu thích nên nghệ sĩ cũng có nhiều cơ hội để trau dồi nghề nghiệp, tiếp cận khán giả, được khán giả nhớ mặt thuộc tên, yêu mến, thần tượng nhiều hơn.
Hiện tại, các nghệ sĩ cải lương trẻ rất khó khăn để phát triển, để ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi tình hình hoạt động ngày càng ít được biểu diễn, cải lương cũng không còn đứng vị trí quan trọng trong lòng khán giả. Và đây cũng là tình hình chung của cải lương cả nước, ngay tại những địa phương được coi là chiếc nôi cải lương như Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu...
Cải lương đang ”chật vật” để sống, khi không còn là lựa chọn của số đông khán giả trẻ thì không ít nghệ sĩ trẻ đang băn khoăn về tương lai của ngành cũng như tương lai của chính mình. Bán vé khó, nghệ sĩ thành danh đã khó có cơ hội diễn thì nghệ sĩ trẻ lại càng “ít đất” để thể hiện mình. Không có cơ hội được ca hát, biểu diễn trên sân khấu, đẩy các nghệ sĩ trẻ rơi vào tình trạng trầy trật trong việc kiếm sống bằng nghề mà mình theo đuổi. Dù có thật sự đam mê với nghề nhưng cơm áo gạo tiền lại buộc họ phân tâm với nghề vì phải phân bổ thời gian, làm thêm các công việc khác để nuôi đam mê. Quá vất vả, không ít diễn viên đã bỏ nghề để chọn công việc khác mưu sinh.
Các nghệ sĩ cải lương gạo cội cho rằng, sự xa rời của thế hệ trẻ đối với nghệ thuật cải lương dẫn đến tình trạng thiếu thốn lớp kế nghiệp, trong khi đây là một trong những nghề “học thì rất dài, làm nghề lại ngắn ngủi”, không đủ để sống...
Trong chiến lược phát triển văn hóa nghệ thuật cũng như trong sự phát triểncác loại hình văn hóa nghệ thuật, nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố thenchốt. Vì thế, rất cần tìm giải pháp, phương thức đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật từ lứa tuổi còn trẻ. Nếu không mạnh dạn đầu tư quyết liệt và đồng bộ, chỉ sau thời gian không lâu, chúng ta sẽ thiếu hụt, thậm chí mất đi nguồn nhân lực giữ gìn, phát triển văn hóa nghệ thuật cổ truyền cũng như văn hóa nghệ thuật đương đại.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định về Đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là rất cần thiết, phù hợp thực tiễn, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác đào tạo nghệ thuật hiện nay, giúp cho việc này đạt hiệu quả tốt nhất, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật truyền thống./.
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)