Văn hóa

Phối hợp để tháo gỡ những khó khăn trong đào tạo nghệ thuật đặc thù

Nghị định được xây dựng phù hợp thực tiễn, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác đào tạo nghệ thuật hiện nay, giúp cho việc này đạt hiệu quả tốt nhất.

Nghệ sỹ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn đàn nguyệt.
Ảnh: Minh Đức- TTXVN

Những năm qua, chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực văn hóa đã được thực hiện, đi vào cuộc sống thông qua các chương trình đề án và đạt hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, một số nội dung chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật.

Vì vậy, Việc xây dựng Nghị định quy định về Đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là rất cần thiết và có cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đổi mới đào tạo nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Đặc biệt, Nghị định được xây dựng phù hợp thực tiễn, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác đào tạo nghệ thuật hiện nay, giúp cho việc này đạt hiệu quả tốt nhất, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Luật Giáo dục ngày 14/6/2019, Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19/11/2018; Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý đối với đào tạo.

Tiết mục múa "Xóc xách gậy tiền" do các nghệ sỹ Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn.
Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, trong quá trình thực hiện đối với các văn bản Luật và Nghị định cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế và khó khăn đối với hoạt động giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật chuyên sâu đặc thù mà các cơ sở đào tạo đã tổ chức mô hình đào tạo này từ hàng chục năm nay.

Cụ thể là về thời gian đào tạo. Tại khoản 2 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: Đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 1- 2 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo... Quy định mới này, không phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo và thực tế đào tạo các ngành nghệ thuật mà các trường đã thực hiện từ ngày thành lập và phát triển hệ thống đến nay. Quy định mới này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật ở nước ta và hội nhập quốc tế.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3, Khoản 1 Điều 19 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; khoản 2, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm thì chỉ cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, học viện) thuộc danh mục ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, không quy định cơ sở giáo dục đại học được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp. Quy định mới này dẫn đến các cơ sở giáo dục đại học đã và đang đào tạo các ngành nghệ thuật trình độ trung cấp, cao đẳng phải dừng tuyển sinh hoặc không được đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp mà các trường đã tổ chức đào tạo từ hàng chục năm nay. Điều này, không phù hợp đối với đào tạo nghệ thuật và ảnh hưởng lớn đến đào tạo tài năng đỉnh cao trong lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam, hội nhập quốc tế. Đồng thời, ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các nghệ sỹ, diễn viên quần chúng tham gia hát Then, đàn Tính tại Cao Bằng.
Ảnh: Chu Hiệu-TTXVN

Tại điểm a, khoản 3 Điều 44 Luật Giáo dục năm 2019 quy định chỉ có trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên có nhiệm vụ thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Vì vậy, năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực nghệ thuật nghiên cứu, đề xuất thành lập trung tâm giáo dục thường xuyên trên cơ sở các khoa văn hóa có chức năng dạy văn hóa phổ thông để giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Quy định mới này gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong lĩnh vực âm nhạc, múa, xiếc. Bởi trong các cơ sở đào tạo như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã được phép của cơ quan có thẩm quyền thành lập Khoa văn hóa để đào tạo văn hóa kết hợp với đào tạo chuyên môn ở trình độ trung cấp...

Đào tạo nghệ thuật có tính chuyên sâu đặc thù, vì vậy, việc có những văn bản quy định riêng đối với lĩnh vực đào tạo này là rất cần thiết. Để tháo gỡ những khó khăn đối với hoạt động đào tạo này cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa Bộ quản lý ngành và quản lý theo lĩnh vực. Vì thế, trong Dự thảo Nghị định quy định về Đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật cũng đã quy định nhiệm vụ của các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động-Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo với các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và các trình độ của giáo dục đại học chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật./.

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm