Văn hóa

Chính sách mới về đào tạo nghệ thuật đặc thù không chồng chéo với các luật khác

Dự thảo Nghị định quy định về ngành, nghề đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là những quy định quan trọng để khẳng định sự khác biệt đối với các ngành, nghề đào tạo khác.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam. 
Ảnh: TTXVN phát

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về Ngành, nghề đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đào tạo chuyên sâu đặc thù, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật và hội nhập quốc tế; góp phần bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nghị định mới cũng hướng đến giải quyết những bất cập về thời gian và hoạt động đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật; điều chỉnh đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đối với người học các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù, nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể. Đó là: Cụ thể hóa điểm 4, Khoản 3, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 “4. Chính phủ quy định trình độ đào tạo đối với một số ngành chuyên sâu đặc thù”.

Cùng với đó là khắc phục những bất cập trong quy định về trình độ đào tạo của Luật Giáo dục đại học, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, với việc quy định các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức đào tạo các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Tiếp đó là khắc phục việc chưa cụ thể, chưa rõ tính đặc thù trong quy định của Nghị định giữa quy định của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định về trình độ đào tạo đối với một số ngành chuyên sâu đặc thù; bất cập của Nghị định số 143/2016/NĐ-CP, nhằm có cơ sở pháp lý, đầy đủ trong việc quy định về thời gian đào tạo, hoạt động đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu đặc thù.

Các làn điệu dân ca và chèo Việt Nam thu hút khán giả nước ngoài. 
Ảnh: Thu Hà-TTXVN

Nghị định cũng góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong đào tạo các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Qua đó bảo đảm quyền, nghĩa vụ của tổ chức tham gia các hoạt động đào tạo nghệ thuật và các cá nhân theo học các ngành nghệ thuật chuyên sâu dặc thù; bảo đảm cho các quyền, nghĩa vụ này được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát các văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó bao gồm 109 văn bản: Luật của Quốc hội: 4 văn bản; Nghị định của Chính phủ: 18 văn bản; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ 6 văn bản; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ 1 văn bản; Văn bản của Bộ trưởng 80 văn bản.

Qua rà soát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy, các quy định chung của dự thảo Nghị định cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản hiện hành có liên quan. Cụ thể: Quy định về phạm vi điều chỉnh không chồng chéo với các luật như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục Đại học, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Quy định về đối tượng áp dụng áp dụng khoản 3 Điều 34 Luật Giáo dục đại học, làm rõ ai là những đối tượng được điều chỉnh bởi Nghị định này, phù hợp với kết cấu của 1 văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa Luật, và đồng bộ với kết cấu, nội dung các Nghị định điều chỉnh nội dung thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Trong hệ thống các Luật, Nghị định liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, cơ bản các Luật và Nghị định đều có điều giải thích từ ngữ. Do vậy, quy định về giải thích từ ngữ của dự thảo Nghị định quy định về ngành, nghề đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật đã xác định một số thuật ngữ phù hợp để xác định được các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng phù hợp với các quy định, thực tiễn đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, không chồng chéo với các Luật, Nghị định có liên quan.

Một tiết mục tham gia Liên hoan trình diễn sắc màu di sản.
Ảnh: Văn Tý- TTXVN

Dự thảo Nghị định quy định về Ngành, nghề đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là những quy định quan trọng để khẳng định sự khác biệt đối với các ngành, nghề đào tạo khác mà hiện nay chưa được quy định cụ thể trong các Luật, Nghị định có liên quan.

Cụ thể là những quy định về các yếu tố đặc thù đối với người học, tổ chức hoạt động đào tạo và nhà giáo tham gia giảng dạy; quy định về danh mục các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù các trình độ; đồng thời, cũng có quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong điều chỉnh, bổ sung danh mục các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù theo quy định tại Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân và Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/2/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo không có sự chồng chéo với các quy định hiện hành liên quan. Đây là quy định mới, phù hợp với thực tiễn, chưa được quy định tại các văn bản Luật và Nghị định có liên quan, do vậy không có sự chồng chéo./.

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm