Văn hóa

Chương trình "Bản sắc và hội nhập" tại huyện Di Linh hưởng ứng Festival hoa Đà Lạt

Lâm Đồng

Chuỗi hoạt động trong Chương trình “Di Linh - Bản sắc và hội nhập” kỳ vọng mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, đồng thời quảng bá sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP của Di Linh đến với công chúng.

Khu trưng bày của lễ hội Hương sắc cà phê, lan và gỗ tại quảng trường trung tâm huyện Di Linh, với gần 50 gian hàng tham dự. 
Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Ngày 14/12, UBND huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã tổ chức khai mạc Chương trình “Di Linh - Bản sắc và hội nhập” với hàng loạt chương trình văn hóa nghệ thuật, triển lãm, xúc tiến thương mại nhằm chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024.

Mở đầu chương trình là sự kiện khai mạc Lễ hội Hương sắc cà phê, lan và gỗ tại Quảng trường trung tâm huyện Di Linh thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự. Khu vực trưng bày gồm gần 50 gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện Di Linh như cà phê, mắc-ca, thổ cẩm, đá cảnh tự nhiên, đồ gỗ mỹ nghệ, đặc biệt là lan giả hạc xuân Di Linh nổi tiếng trong cả nước.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Vũ Đức Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh nhấn mạnh, chuỗi hoạt động trong Chương trình “Di Linh - Bản sắc và hội nhập” kỳ vọng mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, đồng thời quảng bá sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP của Di Linh đến với công chúng.

Đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện tăng cường quảng bá hình ảnh, sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Học sinh trường Dân tộc nội trú huyện Di Linh tham quan triển lãm ảnh “Di Linh – Xưa và nay”. 
Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Song song với hoạt động thương mại, huyện Di Linh còn tổ chức Triển lãm ảnh “Di Linh – Xưa và nay” trưng bày hơn 100 tác phẩm ảnh về thiên nhiên, văn hóa, con người của vùng đất Di Linh từ thời lập tỉnh Đồng Nai Thượng (năm 1899) với tỉnh lỵ đặt tại Djiring (trung tâm thị trấn Di Linh, huyện Di Linh ngày nay).

Thông qua triển lãm nhằm giới thiệu đến khách tham quan những nét đặc trưng về vùng đất Di Linh, đặc biệt là Tòa thị chính tỉnh Đồng Nai Thượng (hiện nay được sử dụng làm khối văn phòng của Hội đồng nhân dân huyện Di Linh, Lâm Đồng) xây dựng từ năm 1900, là công trình thuộc loại cổ nhất ở Tây Nguyên.

Trong khuôn khổ chương trình, có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ công chúng như Trưng bày hình ảnh, học cụ và chiếu phim tư liệu, nói chuyện về lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ đội Cụ Hồ; giao lưu bóng chuyền quân - dân; Hội thi chim chào mào đấu hót; Hội thi nét đẹp thổ cẩm Tây Nguyên; Đêm hội cồng chiêng… kéo dài đến tối 15/12./.

 

Nguyễn Ngọc Dũng

Tin liên quan

Xem thêm