Công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã mang lại nhiều sản phẩm, sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật có chất lượng quốc tế, phản ánh nội dung và tinh thần sáng tạo Việt Nam sâu sắc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Việc ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một dấu mốc quan trọng trong công cuộc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với những mục tiêu quan trọng.
Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bước đầu đã đạt được sự tăng trưởng về đóng góp GDP, việc làm, doanh thu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa, số lượng doanh nghiệp và các không gian văn hóa, trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo trong cả nước. Sự nỗ lực của các nhân tố tham gia công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã mang lại nhiều sản phẩm, sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật có chất lượng quốc tế, phản ánh nội dung và tinh thần sáng tạo Việt Nam sâu sắc.
Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, các ngành công nghiệp văn hóa vẫn gặp phải những khó khăn, hạn chế cần có những biện pháp tháo gỡ để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong chiến lược đến năm 2030.
Cụ thể là thiếu cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách chưa đồng bộ, chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bởi đây là nội dung còn mới mẻ mà chúng ta gần như xây dựng từ đầu, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, nên vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, ngành và người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế.
Thêm vào đó, công tác thống kê, đánh giá sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho phát triển kinh tế - xã hội chưa được thực hiện tốt, dẫn đến việc đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể cho từng ngành còn nhiều bất cập, hiệu quả đạt được chưa cao. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, nguồn lực dành cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn hạn chế (cả tài chính và nhân lực), các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn lực xã hội hóa chưa rõ ràng, cụ thể, việc thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mới chỉ thực sự hấp dẫn ở một vài lĩnh vực.
Việt Nam chưa có nguồn kinh phí riêng mà phải trích từ kinh phí thường xuyên của đơn vị cho các hoạt động phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Đầu tư cho việc nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa từ những nước có nền công nghiệp văn hóa tiên tiến (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ….) để vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế trong nước còn hạn chế.
Đặc biệt, việc thu hút nhà đầu tư lớn tham gia vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp khó khăn, chưa đầu tư mạnh vào các khu, điểm du lịch văn hóa để hình thành sản phẩm, dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của du khách. Các doanh nghiệp chưa tập trung, chú trọng nhiều đến công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch là thế mạnh của từng địa phương.
Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút người làm văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia chưa thực sự phù hợp với yêu cầu đặt ra tập trung phát triển một số lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực làm tiền đề phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn nhân lực dành cho triển khai, thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, mỏng về số lượng, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực đặc thù thiếu người có chuyên môn, chuyên trách phụ trách nên gặp nhiều khó khăn trong công tác thu thập số liệu điều tra cơ sở dữ liệu của từng ngành.
Hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa thiếu tính bền vững, dễ bị tác động bởi suy thoái kinh tế, dịch bệnh dẫn đến ảnh hưởng lớn về doanh thu, như lĩnh vực điện ảnh (số lượng khách đến xem tại rạp giảm mạnh), nghệ thuật biểu diễn (các chương trình nghệ thuật không được tổ chức thường xuyên), du lịch văn hóa (số lượng khách du lịch giảm đáng kể). Các sự kiện văn hóa, thời trang, xúc tiến thương mại với quy mô lớn chưa được tổ chức. Các ấn phẩm xuất bản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chương trình phát thanh và truyền hình, phần mềm và trò chơi giải trí cũng chịu ảnh hưởng, tác động đáng kể.
Việc chưa xem công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực cần tới sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã làm hạn chế khả năng phát huy các nguồn lực quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam…/.
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)