Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các lĩnh vực nên được lựa chọn để tập trung phát triển đến năm 2030 bao gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và trò chơi giải trí và thiết kế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có những tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thị trường và mục tiêu phát triển khác nhau.
Với xu thế hướng đến các sản phẩm và dịch vụ dựa trên việc khai thác những giá trị văn hoá truyền thống, Việt Nam cần lựa chọn một số lĩnh vực đặc trưng có nhiều chất liệu để sáng tạo và tôn vinh văn hóa Việt; đặc biệt các lĩnh vực cần có “dư địa” lớn, tiềm năng trở thành các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu đại diện cho hình ảnh quốc gia.
Đối với Việt Nam, để phát huy được tối đa sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hoá, các lĩnh vực được lựa chọn để ưu tiên tập trung đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm đến năm 2030 cần đáp ứng được các tiêu chí về khả năng quảng bá văn hoá, hướng đến giá trị tôn vinh các yếu tố truyền thống, tiềm năng phát triển vượt bậc khi có sự hỗ trợ từ hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu về tiềm năng phát triển dài hạn, có chất liệu sáng tạo dồi dào dựa trên giá trị văn hoá, vị thế tầm chiến lược gắn với sự phát triển của thời đại. Thêm vào đó, Việt Nam với đặc điểm về dân số trẻ, năng động, thích nghi nhanh với các xu hướng mới trên thế giới.
Do vậy, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các lĩnh vực nên được lựa chọn để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển đến năm 2030 bao gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và trò chơi giải trí và thiết kế.
Cụ thể, đối với điện ảnh cần, để phát triển đến năm 2030, cần xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ, đầu tư đối với lĩnh vực điện ảnh; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam. Các bên liên quan nghiên cứu, đề xuất miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị sản xuất điện ảnh, hoàn thuế cho các đoàn làm phim nước ngoài sử dụng nguồn lực, dịch vụ quay phim tại Việt Nam; tạo điều kiện để các đoàn nước ngoài vào Việt Nam; đưa nước ta trở thành quốc gia có “trường quay ngoại cảnh” lớn trên thế giới.
Giới điện ảnh trong nước tập trung sản xuất phim có khả năng thu hút khán giả đồng thời gắn với các sản phẩm và dịch vụ đi kèm. Đối với phim truyện, phim tài liệu gắn với phát triển các điểm đến về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên có khả năng thu hút khách du lịch. Cùng với đó là việc thu hút và hình thành các trung tâm kỹ thuật điện ảnh Việt Nam (công nghệ hậu kỳ, kỹ xảo điện ảnh) có thể cạnh tranh và tham gia thực hiện hậu kỳ cho các hãng phim lớn trên thế giới về nội dung số và kỹ xảo điện ảnh; tập trùng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về đạo diễn, sản xuất phim, kinh tế điện ảnh, biên kịch, lý luận phê bình, quay phim, thiết kế mỹ thuật, công nghệ điện ảnh truyền hình, diễn viên điện ảnh… để xây dựng và hình thành nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện ảnh.
Đối với nghệ thuật biểu diễn, nhiệm vụ đặt ra là cần đầu tư xây dựng các chương trình nghệ thuật đương đại, biểu diễn âm nhạc, nhạc giao hưởng, ballet, nhạc kịch, hợp xướng; các chương trình múa rối, xiếc, tuồng, chèo, tạp kĩ… Mời các chuyên gia nước ngoài sang đào tạo cho đội ngũ nghệ sĩ về kỹ năng biểu diễn, nhạc công về chuyên môn hòa âm phối khí đối với các loại hình nghệ thuật kinh điển và đương đại.
Cùng với đó là tổ chức các festival âm nhạc với quy mô quốc tế hàng năm tại Việt Nam; bước đầu kết hợp và mời một số ban nhạc lớn trên thế giới, dần hình thành các ban nhạc Việt có khả năng hoạt động biểu diễn trên thị trường âm nhạc quốc tế. Hỗ trợ hình thành các sân chơi biểu diễn chuyên nghiệp (cuộc thi, gala âm nhạc, nghệ thuật, sáng tác, trình diễn…) để phát triển tài năng nghệ thuật, các ban nhạc, nhóm nhạc trẻ khẳng định bản sắc, đặc trưng riêng và nắm bắt định hướng hoạt động nghề nghiệp.
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đạo diễn, thiết kế sân khấu, sản xuất chương trình, biên kịch, nghệ sĩ biểu diễn, người dẫn chương trình…, đặc biệt tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành nghệ thuật sân khấu. Cùng với đó là đầu tư sưu tầm, biên soạn, dàn dựng, khôi phục những tác phẩm tiêu biểu thuộc các loại hình truyền thống, để vừa mang mục đích giảng dạy, vừa phục vụ công chúng.
Đối lĩnh vực du lịch văn hóa, cần nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu các phân khúc, tâm lý khách hàng để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đảm bảo chất lượng, độc đáo, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của từng phân khúc khách hàng, thị trường, địa phương. Cùng với đó, cần đưa các sản phẩm công nghiệp văn hóa như chương trình nghệ thuật biểu diễn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ứng dụng phần mềm tại các điểm du lịch, thăm quan bảo tàng, di tích… vào các hoạt động du lịch văn hóa thông qua các tour, chương trình xúc tiến, quảng bá thương mại.
Đặc biệt là cần đưa ẩm thực Việt trở thành một sản phẩm đặc trưng của du lịch văn hóa ở từng địa phương. Đi cùng với đó là việc tổ chức các Chương trình quảng bá, xúc tiến ẩm thực Việt Nam tại nước ngoài; từng bước phát triển các nhà hàng ẩm thực ở quốc tế, tiến tới ẩm thực Việt Nam sẽ có tại hầu hết các quốc gia trên thế giới với khẩu hiệu “ Việt Nam - bếp ăn của Thế giới”.
Ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”; kết hợp làng nghề và hoạt động du lịch, khai thác nhiều khía cạnh khác nhau như không gian văn hóa làng nghề, kỹ năng của nghệ nhân, sản phẩm lưu niệm được bán tại chỗ… Cùng với đó là cần tạo dựng một số làng nghề trở thành điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế; tăng cường liên kết giữa các vùng sản xuất, cơ sở sản xuất, ngành nghề và làng nghề. Định hình thị hiếu cho thị trường nội địa, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, tôn vinh các giá trị truyền thống, lồng ghép các yếu tố văn hóa Việt vào thiết kế và sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống. Mở rộng thị trường xuất khẩu, đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm thủ công Việt.
Về lĩnh vực phần mềm và các trò chơi giải trí, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành game và sản xuất trò chơi giải trí (ngành công nghiệp giải trí); tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phần mềm nước ngoài dễ dàng chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư, doanh nghiệp trong nước có điều kiện vươn ra nước ngoài...
Với lĩnh vực thiết kế, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế có nội dung khai thác các hình ảnh và giá trị văn hoá Việt Nam. Cùng với đó là đầu tư xây dựng và phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số thành phố có tiềm năng, thế mạnh. Các bên liên quan tổ chức thường xuyên các cuộc thi, triển lãm, tuần kễ thiết kế sản phẩm, tạo dựng thương hiệu quốc gia, tìm kiếm các thiết kế sáng tạo liên quan đến sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa.
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)