Hà Nội đã truyền cảm hứng cho các thành phố khác về sức mạnh của chuyển dịch trong văn hóa và di sản, sự sáng tạo, đổi mới vì một tương lai đô thị tốt đẹp, bền vững hơn.
Thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Chiến lược), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển 5/12 ngành, gồm: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; du lịch văn hóa.
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, nhiều địa phương đã tập trung thực hiện nhiệm của ngành, lồng ghép phát triển Chiến lược, đạt được một số kết quả nổi bật.
* Hà Nội - Thủ đô sáng tạo văn hóa
Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo UNESCO (UCCN) vào năm 2019 trong lĩnh vực thiết kế. Đây cũng là thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập Mạng lưới. Đặc biệt phải kể đến việc tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên từ năm 2021.
Lễ hội Thiết kế và Sáng tạo Hà Nội bắt đầu từ Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo cuối năm 2021 – một thử nghiệm tại không gian 22 Hàng Buồm với sự tham gia giới hạn các nhà nghiên cứu.
Năm 2022, Lễ hội có chủ đề “Thiết kế và công nghệ” với 50 loại hình hoạt động nghệ thuật và kết nối, các nhóm tác giả, lực lượng nghệ sĩ tham gia mang đến cho Hà Nội một không gian trải nghiệm, kết nối, giáo dục, xây dựng các làng nghề của Thủ đô và toàn quốc, hướng tới thực hiện công nghiệp văn hóa hiệu quả nhất.
Lễ hội năm 2023 với chủ đề chính “Dòng chảy”, quy mô lớn hơn hẳn 2 mùa trước. Các hoạt động của lễ hội đã hiện thực hóa chủ trương khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô một cách bền vững bằng sáng tạo và tôn vinh di sản. Sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội đã thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến mọi người. Lần đầu tiên Lễ hội diễn ra ở xa nội đô nhưng sự độc đáo, mới lạ đã hấp dẫn đông đảo người dân. Đặc biệt, Lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Lễ hội năm 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” diễn ra trong 9 ngày liên tục, đón tiếp gần 300.000 nhân dân và du khách tới thưởng lãm, tham gia tích cực. Lễ hội do UBND thành phố Hà Nội - Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hoá và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc thường trực tổ chức, cùng sự đồng hành, phối hợp của nhiều đơn vị tư nhân, quốc tế.
Lễ hội được mở rộng với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá tiêu biểu như kiến trúc, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo... Điểm nhấn là các diễu hành cộng đồng sáng tạo, công trình biểu tượng, sắp đặt không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm - trưng bày, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, tọa đàm, hội thảo quốc tế và trong nước. Qua đó, tinh thần sáng tạo được lan tỏa tại khắp các không gian kiến trúc, di sản văn hóa, sáng tạo, phố nghề, làng nghề truyền thống ở khắp Thủ đô. Bên cạnh đó, cộng đồng tổ chức gần 50 hoạt động sáng tạo hưởng ứng Lễ hội, phục vụ công chúng và du khách.
Có thể thấy, Lễ hội là thành công bước đầu của Hà Nội trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo, thông qua đó thúc đẩy công nghiệp văn hóa sáng tạo năng động và hướng đến giới trẻ. Quan trọng hơn cả là Hà Nội đã chứng minh cho thấy văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ để đổi mới và biến nơi đây thành một nơi chốn tốt đẹp hơn, thu hút hơn. Từ đó, truyền cảm hứng cho các thành phố khác ở trong nước và thế giới nhận thức được sức mạnh của chuyển dịch trong văn hóa và di sản, sự sáng tạo và đổi mới vì một tương lai đô thị tốt đẹp hơn, bền vững hơn.
Lễ hội đã góp phần củng cố thương hiệu Thành phố sáng tạo Hà Nội. Qua mỗi năm, các chủ đề và quy mô ngày càng mở rộng, trở thành ngày hội của giới sáng tạo và người yêu văn hoá thủ đô. Đây được coi là sáng kiến cấp quốc tế, góp phần tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng cho sáng tạo trong mọi người. Sự thành công của Lễ hội không chỉ thể hiện bằng số lượng khách tới tham quan, trải nghiệm mà chính là sự hội tụ và lan tỏa hoạt động sáng tạo đến toàn xã hội, thúc đẩy phát triển Thành phố sáng tạo.
*Sức hút của các idol
Mới đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công bố bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm 2024, trong đó có sự kiện liên quan đến công nghiệp văn hóa. Bộ nhận định: Công nghiệp văn hóa đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn. Năm 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, concert của các chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi, chương trình Jazz quốc tế lần thứ I – Nha Trang 2024… đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong đó, chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai đã tạo ra điểm sáng cho ngành nghệ thuật biểu diễn, khi nhìn lại hoạt động của ngành văn hóa trong năm 2024. Bước ra từ chương trình, show Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thời gian gần đây cũng gây sốt, khiến mạng xã hội bùng nổ. Các concert (đêm nhạc trực tiếp) của các "Anh tài", "Anh trai" luôn thu hút lượng hàng chục ngàn khán giả, đa phần là giới trẻ tham gia.
Chỉ trong khoảng 4 tháng, Anh trai say hi đã có đến 3 concert quy mô lớn, Anh trai vượt ngàn chông gai tổ chức 2 đêm, tổng cộng có đến 5 liveconcert quy mô liên tục - được cho là hiện tượng chưa từng có ở thị trường nhạc Việt. Đặc biệt, dù giá vé cho các concert này tương đối cao nhưng giới trẻ sẵn sàng “đu idol” từ khâu canh giờ mua vé cho tới bất chấp tối mới diễn ra chương trình nhưng đã xếp hàng từ sáng sớm, bất chấp thời tiết lạnh lẽo để giành được chỗ đứng tốt nhất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện một concert như Anh trai vượt ngàn chông gai hay "Anh trai say hi" với hàng chục tiết mục, Mỗi tiết mục không chỉ “đã tai” phần nghe, còn được dàn dựng mãn nhãn về phần nhìn không hề dễ dàng. Kinh phí cho mỗi concert này có thể lên tới hàng triệu USD. Nhưng đây chắc chắn là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các show diễn, concert Việt đang có sự đầu tư, quy mô và tiếp cận với quốc tế, đáp ứng nhu của công chúng.
Đại tá, Phó Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân, biên đạo múa Ứng Duy Thịnh, bố của anh tài Kiên Ứng đã chia sẻ sau khi xem concert Anh trai vượt ngàn chông gai. Ông nói: "Tôi may mắn được xem chương trình biểu diễn nghệ thuật Anh trai vượt ngàn chông gai tại Thành phố Hồ Chí Minh đêm 19/10/2024 vừa rồi. Nói một cách đúng hơn đó là được chứng kiến một sự kiện văn hóa đương đại. Nghe có vẻ đại ngôn nhưng với tôi quả đúng như vậy".
Ông cho rằng "Khán giả và nghệ sĩ đã hòa cảm và sống cùng nhau trong một không gian đậm đặc, bốc lửa, mang đậm chất nhân văn. Tôi đã ngoài 70 tuổi, tưởng rằng sẽ xa lạ khi xem họ - một thế giới khác, thế giới của tuổi trẻ. Nhưng thật bất ngờ, họ đã nhanh chóng chinh phục tôi, dẫn dắt tôi bằng tình cảm và tài năng với cách nói, cách biểu đạt rất mới, vừa tiên tiến, hiện đại vừa mang đậm bản sắc dân tộc phát triển. Có lẽ đó là sự giao thoa với văn hóa thế giới có sự tiết chế khá nhuần nhuyễn. Các anh tài đã hát về quê hương, đất nước, người mẹ, người chiến sĩ, tình yêu đôi lứa, tình bạn, những bài hát dân ca các vùng miền …phải nói rằng bên cạnh những đống góp nghệ thuật còn là những thông điệp mang ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, đấy là những giá trị đích thực,là những đống góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, nghệ thuật biểu diễn phấn đấu doanh thu toàn ngành đạt 31 triệu USD./.
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)