Văn hóa

Nên có cơ chế và mức độ đầu tư khích lệ sự hăng hái của người cầm bút

Nên có cơ chế và mức độ đầu tư khích lệ sự hăng hái của người cầm bút; kích thích được sự tích cực nhập cuộc, làm việc dài hơi, khả năng bám đề tài của các tác giả.

Trại sáng tác tại Vĩnh Phúc năm 2023
Ảnh: Thanh Giang - TTXVN

Vào cuối năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022-2025. Dự kiến, việc đánh giá, tổng kết các tác phẩm sẽ tổ chức vào ngày 3/2/2025.

Sau lễ phát động, Ban tổ chức nhận được hơn 200 đề cương, bản thảo các tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, múa hưởng ứng. Hội đồng thẩm định đã lựa chọn được 48 tác giả có bản thảo, đề cương tốt để tham gia trại sáng tác văn học, nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam. Tiếp đó, đã có 40 bản thảo, đề cương được lựa chọn, gồm 12 về văn học; 12 về sân khấu, 12 về âm nhạc và 4 múa.

Ở mảng văn học, có thể kể đến các tiểu thuyết "Người gác đèn biển" (Dương Hướng), "Việc nước việc nhà" (Nguyễn Thị Hồng Thắm), "Cuộc đụng đầu lịch sử" (Nguyễn Trọng Tân)… Ở mảng sân khấu, có nhiều kịch bản kịch nói triển vọng như "Nỗi lòng của đất" (Chu Thơm), "Ngôi nhà của Bác" (Lê Quý Hiền), "Viên gạch hồng ở Paris" (Nguyễn Thị Minh Nguyệt)… và đặc biệt có kịch bản chèo "Hoa dã quỳ vẫn nở" (Nguyễn Đức Minh).

Trong lĩnh vực âm nhạc, xuất hiện tác phẩm khí nhạc và nhạc kịch lớn như "Tự hào Việt Nam quê hương tôi" cho cello và dàn nhạc giao hưởng (Ngô Hoàng Quân); kịch bản nhạc kịch "Vầng trăng Him Lam" (Đỗ Hồng Quân); nhạc kịch "Xuân bất tử" (Ngô Quốc Tính)… Mảng múa có những "Xống Chụ Xon Xao" (Phạm Duy Khuê)…

Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật "Sống mãi với thời gian" đã khơi dậy sức sáng tác của đông đảo đội ngũ những cây viết trong cả nước. Các bản thảo, đề cương khá đa dạng về thể loại, hướng tới đề tài cách mạng trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắng lợi và thành tựu to lớn của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng… Đây là những "mảnh đất" bất tận, luôn là cảm hứng và cũng luôn thách thức người sáng tạo.

Bên cạnh cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật lớn như “Sống mãi với thời gian”, thời gian qua, nhiều tổ chức, đơn vị đã phát động nhiều cuộc sáng tác khác. Trong đó có Cuộc thi văn học Sáng tác mới San Hô; Sáng tác văn học cho thiếu nhi; vận động sáng tác, dàn dựng văn học, nghệ thuật nhân 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)...

Tác giả Nguyễn Quang Hưng kí tặng sách mới cho độc giả tại Đường sách TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: Hoàng Tuyết - TTXVN

Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Hưng chia sẻ, có nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, cho thấy mối quan tâm của nhà nước, bộ ngành về văn hóa, văn nghệ, đời sống văn học, hoạt động văn học đang nhiều, cụ thể hơn. Cùng với đó cũng cho thấy nhu cầu khai thác lực lượng cầm bút, thúc đẩy và nhân lên các sáng tác mới, vận dụng tác phẩm văn học mới vào việc bồi dưỡng bạn đọc, xây dựng đời sống văn hóa, rộng hơn là đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, con người của đất nước.

Tác giả Nguyễn Quang Hưng cũng cho rằng, tác phẩm hay thì chúng ta luôn thiếu, luôn cần có nhiều hơn để tác động tích cực hơn vào việc đọc, sự hưởng thụ của công chúng, nhất là học sinh. Vì thế các cuộc thi, vận động sáng tác là những hình thức thiết thực để khơi lên mối quan tâm của người viết, người đọc đối với vấn đề này. Điều quan trọng và đòi hỏi là tổ chức hiệu quả, có được những tác phẩm chất lượng tốt để sử dụng.

Phó Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Thị Sự trao giải Khát vọng Dế Mèn cho tác giả Lê Sinh Hùng với tác phẩm "Thư viện kỳ bí" trong lễ tổng kết Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 5/2024 
Ảnh: Báo TT&VH - TTXVN

Cũng có ý kiến cho rằng, hoạt động đặt hàng sáng tác hay trại sáng tác đã có nhiều nhưng dường như chưa gặt hái được nhiều tác phẩm xứng tầm kỳ vọng. Về vấn đề này, Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Hưng thẳng thắn cho rằng, nếu cứ đầu tư, tổ chức để phải có ngay những tác phẩm chất lượng cao, xứng tầm thì cũng chưa thật hợp lý, chưa bình đẳng với người cầm bút. Bởi rất khó để xác định ngay được chất lượng, khả năng thành công, lan tỏa của các sáng tác khi văn nghệ sỹ đi trại sáng tác, tham dự cuộc thi hoặc kể cả nhận đặt hàng sáng tác.

Tác phẩm ra đời còn phụ thuộc nhiều vào tài năng, ý tưởng, phong độ, sức làm việc và ý thức lao động, sáng tạo của văn nghệ sỹ… Nhưng không vì thế mà không nên đặt hàng, đầu tư, tổ chức trại viết hay mở cuộc thi. Có thể kỳ vọng và mong muốn cho hiệu quả của công việc này cao hơn ở những triển khai cụ thể trong việc chọn lựa đối tượng tham dự.

Tác giả Nguyễn Quang Hưng cũng nêu rõ nên có cơ chế và mức độ đầu tư khích lệ sự hăng hái của người cầm bút; có chương trình hoạt động, làm việc kích thích được sự tích cực nhập cuộc, làm việc dài hơi, khả năng bám đề tài của các tác giả. Và cũng nên có hình thức công bố thích hợp, lan tỏa rộng rãi qua hệ thống xuất bản, truyền thông, công nghệ… để đưa tác phẩm đến với giới nghề, bạn đọc, góp phần phục vụ xã hội và sớm đón nhận những phản hồi, góp ý.

Bìa các tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023
Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học (tên ban đầu là Nghị định về hoạt động văn học). Trong đó, các quy định trong Nghị định sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động bồi dưỡng đội ngũ nhà văn, trại sáng tác văn học và lý luận, phê bình văn học theo quy định của Nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức trại sáng tác. Đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, sáng tác lý luận, phê bình văn học cấp quốc gia, quốc tế và giải thưởng văn học.../.

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thanh Giang

Xem thêm