Chính sách ưu đãi đối với người học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa nghệ thuật cần được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, để phù hợp với tình hình hiện nay.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành chuyên sâu, nghề đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó có những quy định chính sách đối với nhà giáo và người học.
Việc xây dựng Nghị định này là rất cần thiết và có cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm phá luật và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đổi mới đào tạo nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại học trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong những năm qua, chính sách đối với giảng viên, nhà giáo đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù đã được quan tâm, thể hiện thông qua một số văn bản quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp nghề và các chức danh, danh hiệu. Đó là: Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiêng lương, Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về Phụ cấp thâm niên, Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định 19/2013/NĐ-CP về Phụ cấp nhà giáo và Nghị định số 27/2015/NĐ-CP quy định về xét tặng Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú… Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, chưa bao quát, phù hợp với thực tế. Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, khuyến khích đội ngũ giảng viên, nhà giáo cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng tài năng lĩnh vực nghệ thuật thì chính sách đối với giảng viên, nhà giáo cần được quy định trong các văn bản pháp luật là rất cần thiết.
Nhằm thu hút nguồn tuyển và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù, thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách thiết thực hỗ trợ miễn giảm học phí, bồi dưỡng nghề, hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật trong các trường văn hóa-nghệ thuật.
Chính sách đã tạo điều kiện, khuyến khích học sinh, sinh viên có năng khiếu, tài năng, vùng sâu, vùng xa hoặc có hoàn cảnh khó khăn tham gia học tập... góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân tộc ở các vùng miền trong cả nước.
Hiện nay, người học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hoá-nghệ thuật tại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo; Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật; Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg ngày 21/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật. Để đảm bảo quyền lợi, công bằng đối với người học các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù và tính hiệu lực, hiệu quả đối với các văn bản pháp luật thì việc tích hợp các nội dung Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg và điểm a, b khoản 1, Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP vào Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là rất cần thiết và phù hợp với thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, mỗi chính sách xây dựng, ban hành đáp ứng, phù hợp với một giai đoạn thời điểm nhất định. Vì vậy, qua rà soát, phản ánh thực tế từ đơn vị quản lý và triển khai thực hiện, thấy rằng hiện nay, chính sách ưu đãi đối với người học các ngành nghệ thuật truyển thống và đặc thù trong các trường văn hóa nghệ thuật được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật dẫn đến có sự hiểu khác nhau, chồng chéo cần được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, tích hợp đưa vào Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật để phù hợp với tình hình hiện nay, đảm bảo quyền lợi, công bằng đối với người học.
Thêm vào đó, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tìm được việc làm đúng ngành/chuyên ngành đào tạo chiếm khoảng 70%. Mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng, cung và cầu chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Học sinh, sinh viên được đào tạo bài bản tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp có chất lượng, khi ra trường hăng hái nhiệt tình cống hiến. Nhưng cơ hội có việc làm đúng ngành/chuyên ngành đào tạo không nhiều do chưa có chính sách cụ thể. Một số địa phương vẫn còn thiếu nhân lực qua đào tạo hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng học sinh, sinh viên ra trường lại rất khó có thể được nhận vào những đơn vị nghệ thuật.
Sau khi Luật Viên chức được ban hành năm 2010, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, quy định tuyển dụng đặc cách (trường hợp đặc biệt) trong tuyển dụng viên chức là “Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực: Văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành truyền thống”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn về tuyển dụng viên chức cho người có tài năng, năng khiếu trong ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật dẫn đến việc Bộ, ngành và các tỉnh chưa triển khai, thực hiện được.
Các nội dung trong Nghị định quy định về đào tạo các ngành chuyên sâu, nghề đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật đang hoàn thiện sẽ: Bảo đảm cụ thể hóa chính sách của Nhà nước đã được cụ thể hóa trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp về ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực đặc thù. Đồng thời có chính sách ưu đãi đối với người học ngành đặc thù, ngành xã hội có nhu cầu nhưng khó xã hội hóa và đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật về giáo dục - đào tạo, sự công bằng đối với học sinh, sinh viên theo học các ngành văn hóa nghệ thuật.
Cùng với đó là cụ thể hóa các quy định của pháp luật và tích hợp nội dung của Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào trong Nghị định và điều chỉnh một số từ ngữ, nội dung về đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi cho phù hợp với thực tế tổ chức bộ máy của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và ngành/nghề đào tạo chuyên sâu đặc thù lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện nay. Đồng thời, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật./.
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
- Từ khóa:
- Đào tạo
- giảng viên
- người học
- quyền lợi
- ưu đãi