Văn hóa

Hoàn thiện chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị văn học Việt Nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước quyết định việc lựa chọn tác phẩm văn học tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam để dịch thuật, giới thiệu, xuất bản tại nước ngoài...

Bìa sách những tác phẩm văn học nổi tiếng Việt Nam và nước ngoài  được NXB Kim Đồng tái bản năm 2021.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học (tên ban đầu là Nghị định về hoạt động văn học). Trong dự thảo Nghị định có đề cập đến chính sách về đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá và bảo tồn, phát huy giá trị các tác phẩm văn học Việt Nam, giải quyết những vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp thực tế.

*Điểm danh những bất cập

Công tác bảo tồn, phát huy văn học trong giai đoạn hiện nay chưa được quan tâm đúng mức; nhà nước cần phải tiếp tục nghiên cứu các cơ chế để bảo tồn, phát huy các giá trị văn học cổ, văn học các dân tộc thiểu số trong tổng thể nền văn học Việt Nam. Nguyên nhân là chưa có quy định về cơ sở dữ liệu sách văn học cổ Việt Nam; chưa triển khai việc xuất bản, tuyên truyền, đưa sách văn học cổ, văn học dân tộc thiểu số vào bảo tàng. Cùng với đó chúng ta cũng chưa quan tâm việc phổ biến tuyên truyền miệng giá trị sách văn học cổ đến với nhân dân.

Thêm vào đó, việc phổ biến văn học trên môi trường không gian mạng là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Đã có nhiều nhà văn chủ yếu sử dụng không gian mạng để công bố trích đoạn, thu hút sự quan tâm của công chúng, từ đó quảng bá cho ấn phẩm khi được xuất bản. Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có chính sách cụ thể, do thiếu chính sách, cơ sở dữ liệu về phổ biến văn học trên không gian mạng.

Việc dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài và văn học nước ngoài vào Việt Nam đang bị mất cân bằng. Có hiện tượng “nhập siêu văn học” nước ngoài. Gần đây, mặc dù có những tác phẩm của dịch giả Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài nhưng đó mới chỉ là hiện tượng lẻ tẻ do chúng ta chưa có chính sách của Nhà nước đối với dịch văn học; chưa có quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân dịch tác phẩm văn học.

Giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là một phần quan trọng trong xu thế hội nhập quốc tế. Nhưng hiện nay việc giới thiệu quảng bá và xúc tiến phát triển văn học chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các giữa các đơn vị tổ chức giới thiệu, quảng bá với các tác giả sáng tác văn học dẫn đến đạt hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là (1) thiếu lộ trình, cơ chế, chính sách rõ rệt, một kế hoạch tổng thể và dài hạn cho lĩnh vực này nhằm giới thiệu, quảng bá văn học văn học Việt Nam ra nước ngoài và tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới.

* Xây dựng các chiến lược quốc gia liên quan đến văn học

Trong dự thảo Nghị định có đề cập đến việc hoàn thiện chính sách về bảo tồn phát huy những giá trị văn học Việt Nam thông qua việc xây dựng cở sở dữ liệu số hoá sách văn học cổ, văn học các dân tộc Việt Nam; quy định việc tuyên truyền xuất bản sách văn học cổ, văn học các dân tộc thiểu số vào bảo tàng để phát huy giá trị của văn học Việt Nam đến với công chúng.

Tác phẩm ''Nhật ký trong tù'' của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch sang tiếng Đức. 
Ảnh: Mạnh Hùng-TTXVN)

Cùng với đó là tăng cường việc phổ biến văn học trên không gian mạng, tạo ra nhiều hình thức mới phổi biến tác phẩm văn học đến công chúng; xây dựng chính sách của về phổ biến văn học trên môi trường không gian mạng. Tạo cho các độc giả tại trong và ngoài nước biết đến nhiều các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam và nước ngoài nước thông qua thúc dịch các tác phẩm văn học; xây dựng chính sách của Nhà nước đối với dịch văn học tại Việt Nam.

Đồng thời giới thiệu, quảng bá về tác giả, tác phẩm văn học, tác phẩm lý luận, phê bình văn học Việt Nam có chất lượng nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, khuynh hướng nghệ thuật, thẩm mỹ văn học Việt Nam tới công chúng.

Tạo dựng niềm vui đọc sách văn học cho thiếu nhi.
Ảnh: Minh Quyết- TTXVN

Để đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá và bảo tồn, phát huy giá trị các tác phẩm văn học Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp xây dựng chương trình quốc gia về bảo tồn di sản văn học Việt Nam gắn với số hóa và chia sẻ thông tin về di sản văn học. Đồng thời xây dựng chương trình quốc gia xây dựng dữ liệu quốc gia về văn học và danh mục thông tin sách văn học; Chiến lược quốc gia về dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài và quảng bá văn học Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan quản lý nhà nước quyết định việc lựa chọn tác phẩm văn học tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam để dịch thuật, giới thiệu, xuất bản tại nước ngoài cũng như tham dự các cuộc thi, giải thưởng văn học ở nước ngoài. Quyết định của Bộ dựa trên đề xuất của hội chuyên ngành về văn học và có tham khảo ý kiến của Hội đồng chuyên môn.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương (thứ ba từ phải sang) cùng các tác giải được trao Giải thưởng nhà văn Đông Nam Á 2022. 
Ảnh: Đỗ Sinh-TTXVN

Nhà nước thông qua Bộ xác định các nội dung trọng tâm của giới thiệu, quảng bá, xúc tiến phát triển văn học: Quảng bá văn học Việt Nam, môi trường hoạt động văn học, hệ sinh thái sáng tạo văn học gắn với bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời xây dựng, quảng bá giá trị văn học tiêu biểu của quốc gia, vùng, địa phương; phát triển thị trường văn học trong và ngoài nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về văn học gắn với giáo dục về văn học, góp phần đảm bảo môi trường hoạt động văn học an toàn, lành mạnh, văn minh; vận động, tìm kiếm cơ hội, huy động nguồn lực đầu tư phát triển văn học để góp phần nâng cao chất lượng sáng tác văn học Việt Nam.

Đây sẽ là cơ sở pháp lý về quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học đáp ứng nhu cầu của đội ngũ sáng tác, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Cùng với đó là tạo môi trường pháp lý minh bạch cụ thể, rõ ràng giữa cơ quan quản lý nhà nước với các Hội chuyên ngành trong văn học nghệ thuật, thu hút nguồn lực để quảng bá, giới thiệu tác phẩm văn học trong và ngoài nước; giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam trên không gian mạng, số hóa gắn liền với xây dựng cơ sở dữ liệu trên không gian mạng về sách văn học, tác phẩm văn học Việt Nam…/.

(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm