Văn hóa

Cần tháo gỡ vướng mắc trong đào tạo đặc thù văn hóa, nghệ thuật

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện Nghị định quy định về đào tạo các ngành chuyên sâu, nghề đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông. 
Ảnh Nguồn: TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Việc nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật nhằm phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao, tạo động lực, nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước là vấn đề cấp thiết đang được đặt ra hiện nay.

Hiện nay, quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không lớn, khoảng hơn 10.000 học sinh, sinh viên/năm. Đào tạo sau đại học đạt khoảng hơn 300 học viên cao học và nghiên cứu sinh/năm.

Hầu hết học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm đúng ngành, nghề được đào tạo. Trong đó, một số cơ sở đào tạo có khoảng 70% - 80% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm. Một số trường có nhiều học sinh, sinh viên đoạt giải quốc gia, quốc tế trong các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp, kỳ thi tay nghề quốc gia, quốc tế, giải thi đấu trong nước và quốc tế. Nhiều thạc sĩ và tiến sĩ phát huy tốt kiến thức đã qua đào tạo, nhiều người đã trở thành chuyên gia, giảng viên, nhà quản lý giỏi, bảo đảm chất lượng và hiệu quả công tác cao.

Một cảnh trong vở diễn cải lương "Dạ cổ cầm thi". 
Ảnh: Ánh Tuyết- TTXVN

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện dự án đào tạo, bồi dưỡng diễn viên và nhạc công cho 4 nhà hát trực thuộc Bộ giai đoạn 2012 - 2020 (bao gồm Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), kết hợp giữa các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trực thuộc Bộ với các nhà hát, thực hiện phương thức đào tạo theo địa chỉ, bổ sung kịp thời đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn và nhạc công kế cận cho các nhà hát.

Tuy nhiên, việc đào tạo trong hệ thống trường văn hóa, nghệ thuật ở nước ta vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, quy định hiện hành về giáo dục và đào tạo các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học có nội dung chưa rõ, chưa phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Cụ thể là về thời gian đào tạo trình độ trung cấp; về chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học; về đào tạo văn hóa đồng thời với chuyên môn nghề nghiệp ở trình độ trung cấp; chế độ chính sách đối với người dạy, người học...

Việc tuyển sinh và đào tạo ngành văn hóa, nghệ thuật còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các ngành múa, xiếc và sân khấu truyền thống. Chi phí đào tạo lớn trong khi ngân sách chi cho đào tạo nghệ thuật còn hạn hẹp, khả năng tự chủ của nhà trường bị hạn chế nên chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng, nhất là đối với các ngành mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu - điện ảnh, múa, xiếc.

Thêm vào đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đạo cụ thiết yếu phục vụ đào tạo còn thiếu hoặc chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là ở các cơ sở đào tạo thuộc các tỉnh, thành phố. Nguồn lực đầu tư cho đào tạo văn hóa, nghệ thuật còn thấp, chưa được chú trọng, chưa có chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp bằng tác phẩm. 

  Dưới ánh đèn sân khấu, nghệ sỹ thăng hoa, quên hết cơ cực trong quá trình tập luyện. 
Ảnh: TTXVN

Chế độ giờ giảng đối với nhà giáo giảng dạy lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu đặc thù chưa phù hợp, còn có nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nên chưa thực sự khuyến khích được đội ngũ có trình độ cao tích cực tham gia và yên tâm công tác giảng dạy trong các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng cần tháo gỡ vướng mắc trong đào tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đào tạo các ngành chuyên sâu, nghề đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật và các ngành khó tuyển, cần bảo tồn; học sinh, sinh viên theo học ngành nghệ thuật ở cơ sở đào tạo khu vực miền núi, được hưởng chính sách, như học sinh, sinh viên dân tộc nội trú. Cùng với đó có chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi thiết thực hơn đối với nhà giáo, văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục.

Ông Tạ Quang Đông cũng cho rằng cần xem xét việc giữ lại mô hình các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trực thuộc địa phương để bảo đảm gìn giữ bản sắc văn hóa vùng, miền và duy trì đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật theo đặc thù của từng địa phương trên cả nước, cung cấp nguồn tuyển sinh có chất lượng cho các cơ sở đào tạo chuyên sâu đào tạo trình độ cao hơn ở Trung ương. Đồng thời cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo văn hóa, nghệ thuật để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng dạy, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn giáo dục và đào tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở nước ta hiện nay.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất kiên trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Dựa trên căn cứ pháp lý của các luật: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Ban soạn thảo đã cân nhắc để tìm ra nội dung liên quan và có thể áp dụng phù hợp đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật.

Các chuyên gia đều khẳng định: Việc xây dựng Nghị định quy định về Đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là rất cần thiết và có cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đổi mới đào tạo nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nghị định sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt trong công tác đào tạo nghệ thuật hiện nay./.

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm